“Mở” vốn cho doanh nghiệp ưu tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành quyết định lãi suất áp dụng với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài; tiền gửi bằng VNĐ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô; tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát, việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

1. Theo NHNN, để phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô (KTVM) và mặt bằng lãi suất trên thị trường, NHNN giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD. Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách KTVM khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (TTKT); thanh khoản của TCTD được bảo đảm và có dư thừa, thị trường tiền tệ (TTTT), ngoại hối ổn định, thông suốt. Cùng với các giải pháp, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, KTVM tiếp tục ổn định, TTKT quý III - 2019 đạt 7,31%, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm. NHNN khẳng định, động thái giảm lãi suất nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở diễn biến KTVM, TTTT, ngoại hối.

Tại Tọa đàm về các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH do NHNN tổ chức mới đây, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT)… Tính đến 30-9-2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.475.828 tỷ đồng, tăng 12,9% so cuối năm 2018, với 196.689 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ đối với DNNVV hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41%; DNNVV hoạt động trong ngành thương mại và dịch vụ 54%; DNNVV hoạt động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế và cao hơn cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trong điều kiện DNNVV ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế còn hạn chế thì vốn tín dụng NH vẫn là kênh tài trợ vốn chủ yếu cho DNNVV phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo một số NH cũng cho biết, cơ hội vay vốn của DNNVV rất cao nếu DN chịu thay đổi. Tuy nhiên, theo khảo sát, việc tiếp cận vốn tín dụng của các DN còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo các DN, nguồn vốn vay từ NH là một nguồn vốn chính thống, vì thế cũng phải có những điều kiện chính thống đi kèm. Có những điều kiện mang tính chất chuẩn mực của hệ thống NH được đưa ra dựa trên cơ sở của Luật Các TCTD, buộc phải tuân theo. Tuy nhiên, những DN nhỏ khi mới bắt đầu tham gia kinh doanh thì hệ thống kế toán, tài chính và minh bạch thông tin chưa đạt chuẩn, khả năng tiếp cận vốn NH sẽ khó khăn. Các DN nhỏ thường không tích lũy được tài sản nhiều, do đó không có tài sản để thế chấp cho các khoản vay. Câu chuyện về lòng tin cũng là rào cản khiến NH và DN chưa tìm đến được với nhau. Các DN chưa vay được vốn từ NH mà cũng không có quan hệ lâu dài với NH thông qua việc sử dụng các dịch vụ NH thì sẽ khó hơn nhiều. Thời gian sử dụng dịch vụ của các NH càng lâu thì các điều kiện cho vay của NH sẽ càng được nới lỏng.

2. Tại một diễn đàn về CNHT năm 2019 mới đây, nhiều DN cũng nhắc đến việc khó phát triển ngành CNHT do thiếu vốn và việc phải vay NH với lãi suất cao, khiến chi phí giá thành sản phẩm không thể cạnh tranh.

Đại diện NHNN cho biết, tín dụng NH nói chung liên quan đến hỗ trợ cho DNNVV không ngừng được hoàn thiện và bổ sung, hệ thống NH luôn sẵn sàng nguồn vốn cho DNNVV, nhưng có điều kiện nhất định và các DN phải tuân thủ quy định. Đó là bởi vốn NH huy động ở dân cư nên bảo đảm an toàn vốn phải được các NH chú trọng. Để nâng cao tiếp cận vốn cho DNNVV, Chính phủ đã ban hành Nghị định chính sách bảo lãnh cho DNNVV thông qua hệ thống bảo lãnh tín dụng ở địa phương.

Theo Phó Giám đốc Khối DNNVV của VPBank Đào Gia Hưng, khi DN đi vay tức là lấy vốn của người khác, phải chứng minh cho người khác thấy hoạt động kinh doanh của mình ra sao. Gần đây, nhiều NH cũng đã nhận ra tiềm năng của phân khúc này và bắt đầu có cách tiếp cận mở hơn cho DNNVV. Hy vọng thời gian tới, tiếp cận vốn sẽ nhiều hơn. Tuy vậy, dù các NH có mở thế nào đi chăng nữa thì vẫn có những điều kiện tín dụng và phòng ngừa rủi ro nhất định phải đáp ứng.

“DNNVV, DN CNHT là đối tượng ưu tiên trong việc cấp khoản bảo lãnh đó. Nếu DN kinh doanh tốt, có tài sản bảo đảm, làm ăn hiệu quả thì NH sẽ chủ động đi tìm kiếm. Tuy nhiên, với những DN có phương án kinh doanh tốt nhưng gặp khó khăn về tài sản bảo đảm, nếu kênh bảo lãnh có đề nghị thì NH sẽ yên tâm để giải ngân”, đại diện NHNN cho hay.

Ngoài ra, nhiều chính sách dành cho DNNVV cũng đang được phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như chính sách lãi suất cho vay riêng, thấp hơn 1 - 1,5% so các ngành khác. Các NH hiện nay đã thiết kế nhiều gói vay dành riêng cho các DNNVV, có NH đã triển khai gói sản phẩm dựa trên uy tín của người mua hàng, nên khi DN tham gia vào chuỗi hợp tác với các DN uy tín, thí dụ như các DN cung cấp thiết bị cho các DN lớn như: Toyota, Trường Hải... sẽ được vay vốn dễ dàng mà không cần phải tài sản thế chấp.