Mạnh tay xử lý vi phạm thương mại điện tử

Để có thể bảo vệ người tiêu dùng (NTD), theo nhiều chuyên gia, cần tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên môi trường internet. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) sở hữu các website thương mại điện tử (TMĐT) trong việc bảo vệ NTD.

Phát triển TMĐT đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Phát triển TMĐT đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Tại Việt Nam, TMĐT đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua từ 25-30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ TMĐT (B2C) đạt hơn tám tỷ USD. Song hành với tốc độ phát triển của TMĐT thì cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Do tính chất đặc thù của TMĐT như người mua và người bán không gặp mặt và chỉ liên lạc trên môi trường mạng, các công cụ tìm kiếm thuận tiện cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền SHTT, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường internet.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo tập huấn “Bảo vệ quyền lợi NTD trong TMĐT” và Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT”, do Cục TMĐT và Kinh tế số phối hợp Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công thương) tổ chức, Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng cấm... không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới, đây là điều đáng lo ngại trong công tác kiểm soát hàng giả, hàng nhái.

Nhắc lại câu nói của tỷ phú Jack Ma, ông chủ của trang TMĐT Alibaba (Trung Quốc), “vấn nạn buôn bán hàng giả trên TMĐT như vấn đề ung thư”, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, nếu không kiểm soát từ đầu nguồn, tức là từ DN, thì hiệu quả sẽ rất hạn chế.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, trong vòng bốn năm (2014 - 2018), lực lượng quản lý thị trường (QLTT) toàn quốc xử lý 1.024.000 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt và nộp ngân sách 92.000 tỷ đồng. Riêng năm 2018, xử lý 232.000 vụ và nộp ngân sách 490 tỷ đồng. Đây là những con số thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công thương và các địa phương. Trong điều kiện kinh tế mở như hiện nay, số lượng vụ phát hiện, đưa đi khởi tố càng nhiều càng thể hiện công tác chống hàng giả, hàng nhái đang diễn ra vô cùng phức tạp, trọng trách đặt lên vai lực lượng QLTT càng nặng nề hơn. Mặc dù, lực lượng QLTT đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, quyền lợi của NTD vẫn chưa được bảo đảm. Cần đề ra giải pháp về thể chế, chế tài, đặc biệt, tuyên truyền sâu rộng đến NTD mới có thể đẩy mạnh được vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Chỉ ra những vi phạm phổ biến trong lĩnh vực này, theo Tổng Cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh, đó là kinh doanh nhưng không đăng ký hay thông báo với cơ quan chức năng về website bán hàng. Thậm chí chất lượng khác xa so quảng cáo. Đã có hiện tượng một số DN chuyển phát nhanh “vô tình” trở thành công cụ cho việc chuyển phát hàng lậu. Qua kiểm tra việc vận chuyển trên đường, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều hàng hóa không có hóa đơn chứng từ được thực hiện bằng phương thức này. Với đặc điểm của internet được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng nhanh nên cần chế tài xử lý mạnh hơn. Cùng với đó, xây dựng một nghị định quản lý mới có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT với việc phải mạnh hơn xử lý vi phạm ngoài đời thực, dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn TMĐT và nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công thương với các cơ quan tài chính, thuế... Riêng lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh tập huấn nâng cao trình độ đấu tranh với hàng giả, hàng gian, liên kết giữa các DN sàn TMĐT và NTD để nhận biết các sàn thương mại uy tín.

Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) Nguyễn Hữu Tuấn cũng gợi mở, một số giải pháp cụ thể là ràng buộc trách nhiệm của các chủ sàn trong việc nói không với hàng giả. Về mặt quản lý chuyên môn, cơ quan này sẽ lưu ý hơn đến việc rà soát, phân loại các website TMĐT nhằm tạo bộ lọc tốt hơn cho thị trường. Thời gian tới, Cục sẽ xây dựng hệ thống phần mềm tiếp nhận khiếu nại trực tuyến sau đó chia sẻ tới các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm, cũng như cảnh báo cho NTD.

Theo Cục trưởng TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải, phát triển TMĐT đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thậm chí có sự giả mạo các DN uy tín để lừa đảo người mua gây thiệt hại kinh tế và niềm tin của NTD đối với hoạt động TMĐT và các DN chân chính... Việc minh bạch và công khai những chính sách, cũng như quy định trên các website để thông tin cho người mua biết quyền và nghĩa vụ các bên còn hạn chế... Đặc biệt, các sàn giao dịch TMĐT còn hạn chế về cả ý thức và nhân lực để có thể kiểm soát, ngăn chặn những hành vi buôn bán không đúng quy định trên sàn của mình nên các vi phạm vẫn xảy ra, gây mất lòng tin đối với NTD.

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và lành mạnh hệ thống TMĐT, theo Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng, bên cạnh đẩy mạnh phát triển đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, cần một hệ thống thể chế thuận lợi và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho nền kinh tế số. Đặc biệt, cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là những mắt xích quan trọng giúp TMĐT Việt Nam phát triển bền vững.