Mạnh tay với hàng gian, hàng giả

Cao điểm cuối năm, hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày một nhiều. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để hàng nhái, hàng nhập lậu, giả mạo xuất xứ “tung hoành”, gây “loạn” thông tin, chất lượng sản phẩm. Tại TP Hồ Chí Minh, nơi thị trường hàng hóa rất lớn, công tác phòng, chống, giám sát, xử lý vi phạm đang trở nên quyết liệt.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Vi phạm đến mức công khai

Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh: trong cao điểm cuối năm, lực lượng chuyên trách liên tiếp truy quét, xử phạt các đơn vị, cá nhân buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo xuất xứ. Mặc dù thực hiện quyết liệt nhưng lượng hàng hóa gian lận vẫn liên tiếp đổ về thành phố qua nhiều kênh, hình thức vận chuyển khác nhau.

Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, trong xuất, nhập khẩu, các hoạt động thương mại cũng diễn ra rầm rộ. Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng cho biết, từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng cộng 1.319 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá 1.537 tỷ đồng, trong đó vi phạm chủ yếu là buôn lậu và gian lận thương mại.

Đơn cử trong tháng 11, Hải quan thành phố liên tiếp phát hiện và bắt giữ hai vụ nhập khẩu gian lận xuất xứ quy mô lớn. Ngày 2-11, tại cảng Cát Lái, lực lượng chức năng đã phát hiện Công ty TNHH Cao-su Talalay Viet Nam nhập khẩu 317 kiện hàng (7,2 tấn), trị giá gần 600 triệu đồng với các mặt hàng: chăn, nệm, gối có xuất xứ Trung Quốc nhưng giả mạo xuất xứ Việt Nam. Trong khai báo hải quan, doanh nghiệp xuất trình cả C/O form E của Trung Quốc, thuế suất ưu đãi 0% nhưng thực tế lô hàng này phải chịu mức thuế từ 20 - 25%.

Tình trạng kinh doanh buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng nhái cũng “rầm rộ” trên mạng. Chỉ một vài cú click chuột trên các trang website bán hàng, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được những món hàng hiệu trên thực tế có giá đắt đỏ nhưng được rao bán rất rẻ. Điển hình như các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Dior, Calvin Klein đều được rao bán không đúng so giá các thương hiệu niêm yết. Mức giá bán trên một trang thương mại điện tử hoặc trang web thường chỉ bằng 1/3 mức giá so công bố của hãng.

Các loại hàng hóa nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng được bày bán… công khai tại các chợ trung tâm thương mại của thành phố. Theo Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, tại đợt ra quân kiểm tra đột xuất 10 điểm ở chợ Bến Thành mới đây, đã tạm giữ: 779 sản phẩm đồng hồ, túi xách, ví các loại giả mạo nhãn hiệu Rolex, HuBolot, Tag Heuer, Dior, Hermes, Gucci, LV… Trong đó, 49 túi xách không hóa đơn là hàng nhập lậu.

Còn tại Trung tâm thương mại Saigon square, qua kiểm tra 19 điểm, lực lượng chức năng cũng tạm giữ 1.187 sản phẩm đồng hồ, túi xách, ví, khăn choàng, thắt lưng, giày, dép… giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Trong đó, 541 cái đồng hồ các loại và 30 sợi dây thắt lưng không hóa đơn là hàng nhập lậu.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã kiểm tra 280 đợt về hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại; tịch thu hơn 9.000 sản phẩm là hàng giả, hàng vi phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa; xử phạt hơn 1,9 tỷ đồng.

Mạnh tay với hàng gian, hàng giả ảnh 1

Hải quan TP Hồ Chí Minh bắt giữ một vụ giả mạo xuất xứ tại cảng Cát Lái. Ảnh: THÁI ĐINH

Mỗi đầu mối đều phải quyết liệt

Những năm qua, công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả, giả mạo xuất xứ được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn không có dấu hiệu giảm xuống. Thậm chí còn nở rộ và quy mô hơn trước. Các nguồn hàng lớn với nhiều loại hàng hóa vẫn liên tục đổ về thành phố khiến cho công tác kiểm tra, giám sát gặp không ít khó khăn.

Một trong những nguyên nhân vướng mắc là do: việc đặt một “sạp” kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử khá dễ dàng. Các yêu cầu cam kết về chất lượng hàng hóa chỉ mang tính thủ tục, nên vi phạm diễn ra thường xuyên. Các kiến nghị, ý kiến của khách hàng thường chỉ được giải quyết, phản hồi một cách hời hợt. Ngoài ra, chế tài xử phạt các hành vi buôn bán kinh doanh hàng nhái, hàng giả hiện vẫn chưa đủ sức răn đe. Các đợt ra quân xử phạt chủ yếu là tịch thu hàng hóa và xử phạt hành chính, còn hình thức phạt tù chỉ đếm trên đầu ngón nên tình trạng tái phạm thường xuyên diễn ra. Trong khi đó, Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì mức phạt tiền cao nhất lên tới một tỷ đồng; phạt tù cao nhất 5 năm. Còn với hình thức kinh doanh trên mạng, việc kiểm tra, xử phạt cũng rất khó khăn khi người mua và người bán không biết tên tuổi, địa chỉ của nhau. Các hình thức giao hàng đều qua các đầu mối trung gian nên việc kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất sản phẩm giả mạo qua mạng đều rất kém hiệu quả.

Cuối tháng 11 vừa qua, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tuyên tuyền, phổ biến pháp luật trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái cho Ban quản lý cùng gần 200 tiểu thương của chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Saigon Square. Đây là hai địa điểm thường xuyên bị các lực lượng chức năng phát hiện có các hoạt động kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo Quyền Cục trưởng QLTT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bách, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng QLTT còn tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân tạo sự đồng thuận với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả.

Bà Nguyễn Thu Thảo, một hộ kinh doanh quần áo tại chợ Bến Thành cho rằng: “Các cơ quan chức năng cần thực hiện thường xuyên hơn những chương trình như vậy để nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh. Việc buôn bán các mặt hàng giả, hàng nhái không chỉ làm xáo trộn thị trường mà còn gây mất uy tín chung đối với các hộ kinh doanh. Người tiêu dùng cũng thiệt thòi nếu không biết lựa chọn và đủ thông tin về thị trường, sản phẩm để mua sắm”.

Để bảo đảm thị trường hàng hóa được minh bạch, thuận lợi trong lưu thông, nhất là dịp cao điểm cuối năm, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh từ nay đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung vào các chuyên đề về các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến… Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng khác cũng phối hợp triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm đang tồn tại trên địa bàn.

Trước “sức nóng” của các loại hàng gian, hàng giả, hàng giả mạo xuất xứ, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng, sở, ngành, UBND các quận, huyện đẩy mạnh xử lý các vi phạm nhưng vẫn bảo đảm không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, cản trở lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ kiểm soát tại các đầu mối, địa điểm tập kết (bến cảng, ga tàu,…) nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả;…

Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phân vùng trọng điểm tập trung rà soát, giám sát, như các kho bãi tập kết container, các địa điểm chuyển phát nhanh… Trong đó, chú trọng các mặt hàng quần áo thời trang, hàng hóa đã qua sử dụng…