Lối ra từ thị trường trong nước

Theo thống kê nhanh của Bộ Công thương, tính tới ngày 11-2, có khoảng gần 600 xe nông sản như thanh long, dưa hấu... đang nằm chờ tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Covid-19 (nCoV) căng thẳng, việc đẩy mạnh thông quan các lô hàng nông sản rất khó khăn. Việc phát triển thị trường mới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể hiện thực hóa ngay, vì thế đẩy mạnh tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước được xem là giải pháp hữu hiệu.

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Ảnh: LAM ANH
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Ảnh: LAM ANH

Mới đây, phía cơ quan chức năng của Trung Quốc thông báo lùi thời hạn mở cửa khẩu vào cuối tháng 2-2020, thay cho dự kiến ban đầu là ngày 10-2-2020 bởi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất nông sản ở các tỉnh phía nam thêm lo lắng.

Cụ thể, theo báo cáo về tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc từ ngày 10-2 đến ngày 11-2 và lượng hàng hóa còn tồn ở các cửa khẩu của Bộ Công thương, tại tỉnh Lạng Sơn: cửa khẩu quốc tế Hữu nghị đã xuất khẩu (XK) được 37 xe (nông sản; trái cây như thanh long, mít, nhãn; khẩu trang; linh kiện điện tử); đã nhập khẩu (NK) 62 xe gồm linh kiện điện tử; máy móc thiết bị; nông sản; thủy sản; chất phụ gia; hiện đang còn tồn 106 xe nông sản như thanh long, mít, ớt, nhãn. Cửa khẩu Tân Thanh không phát sinh hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK), còn tồn 109 xe thanh long; cửa khẩu Cốc Nam không phát sinh hoạt động XNK, còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa, mỹ phẩm; Cửa khẩu Chi Ma còn tồn 2 xe chưa XK được; Cửa khẩu Ga Đồng Đăng: Còn tồn 41 toa (7 toa thanh long chờ XK, 37 toa thép chờ NK).

Tại tỉnh Lào Cai, cửa khẩu Kim Thành II đã XK được 58 xe (46 xe thanh long, 7 xe dưa hấu, 3 xe mít, 2 xe chuối). Hiện cửa khẩu này đang tồn hơn 300 xe trái cây gồm: thanh long, mít, dưa hấu, chuối.

Tại tỉnh Quảng Ninh, hiện đang tồn 36.800 tấn tinh bột sắn tại cảng Vạn Gia và cảng thủy nội địa thuộc tỉnh Quảng Ninh, khoảng 20.000 tấn tinh bột sắn đã ký hợp đồng và đang trên đường vận chuyển ra TP Móng Cái. Ngoài ra, tại địa bàn TP Móng Cái hiện tồn 30 xe trái cây các loại, tương đương khoảng 450 tấn chưa XK và 500 tấn trái cây DN đã có hợp đồng thu mua từ các tỉnh phía nam, chuẩn bị vận chuyển lên cửa khẩu…

Tại cuộc họp tìm giải pháp tiêu thụ nông sản diễn ra chiều ngày 11-2, ông Hà Lê Thanh Chung, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết, sản lượng thanh long đang tồn ở tỉnh này còn rất lớn. Cụ thể, hiện 7.685 tấn thanh long đang lưu trữ tại các kho lạnh. Dự kiến, tổng sản lượng thu hoạch trong tháng 2-2020 là 44.586 tấn, trong tháng 3-2020 là 43.840 tấn. Như vậy, tổng sản lượng cả lưu kho lạnh, dự kiến thu hoạch trong tháng 2 và 3 là 96.111 tấn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, lâu nay phần lớn nông sản của tỉnh đều tập trung XK Trung Quốc, với tình hình bất lợi trên, đầu ra cho các sản phẩm này là cực kỳ khó khăn, sản lượng mặt hàng khoai lang khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn 1.200 tấn...

Cũng tại cuộc họp, Bộ Công thương đã đề nghị các địa phương và các DN có sự trao đổi thông tin về nguồn cung, nhu cầu và kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để qua đó phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ Công thương, trong khi việc phát triển thị trường mới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể hiện thực hóa trong chốc lát, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Các DN cũng đã công bố năng lực tiêu thụ trong hệ thống như: BigC tiêu thụ được 100 tấn dưa hấu và 70 tấn thanh long/ngày; hệ thống siêu thị VinMart tiêu thụ được khoảng 2.000 - 3.000 tấn thanh long và dưa hấu/tuần; Saigon Co.op có thể tiêu thụ 1.600 tấn/ngày... Điều này cho thấy sức lớn của thị trường nội địa, với hơn 96 triệu dân.

Thực tế, để tránh bị thua lỗ, nhiều DN, nhà vườn đã chuyển hướng vận chuyển nông sản đưa về tiêu thụ tại các chợ, siêu thị trên địa bàn lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Không chỉ ở các chợ, tại các siêu thị lớn như: Co.opmart, Co.opXtra… của Saigon Co.op cũng đang tích cực thu mua thanh long của các nhà vườn, DN để đưa vào bán hàng không lợi nhuận. Saigon Co.op cho biết, giá thu mua tại nguồn được Saigon Co.op trả cho nhà vườn cao hơn thương lái nhưng cam kết bán cho người tiêu dùng (NTD) rẻ để kích cầu.

Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, trong điều kiện lo ngại về dịch bệnh, hệ thống phân phối hiện đại đang ngày càng phát triển và mở rộng của các DN phân phối đang được NTD ưu tiên lựa chọn, nên việc đưa các sản phẩm nông sản tiêu thụ qua kênh phân phối này sẽ có ưu thế lớn trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, thanh long mùa vụ ngắn nên trước hết phải tập trung tiêu thụ vào thị trường nội địa, bên cạnh việc tính tới giải pháp tìm kiếm thị trường XK mới.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, vấn đề lâu dài của ngành nông nghiệp là chinh phục tốt người Việt, cũng như không lâm vào tình cảnh phụ thuộc vào một thị trường là cần phải tái cơ cấu sản xuất. Sản xuất với số lượng lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng, kết nối chặt chẽ các nhà phân phối. Ngành nông nghiệp phải coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt, có như vậy sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới có giá thành phù hợp, chất lượng tốt nhất, nền quản trị tốt để đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến NTD một cách nhanh nhất, hợp lý nhất. Đồng thời, ngành nông nghiệp phải tổ chức sản xuất chuỗi, khép kín từ khâu tổ chức nguyên liệu, chế biến tới thị trường.