Lối đi nào cho hộ kinh doanh cá thể?

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi mới nhất đã bổ sung một chương về hộ kinh doanh (HKD) cá thể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc có hay không nên đưa HKD vào Luật, thay vào đó xây dựng cơ sở pháp lý khác để tạo điều kiện cho HKD phát triển, lớn lên thành DN.

Hộ kinh doanh khó được bảo đảm quyền lợi, cũng như khó tiếp cận chính sách hỗ trợ. Ảnh: NG.NAM
Hộ kinh doanh khó được bảo đảm quyền lợi, cũng như khó tiếp cận chính sách hỗ trợ. Ảnh: NG.NAM

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng, việc bổ sung quy định về HKD không phát sinh tiêu cực đến hoạt động của HKD hiện nay, không phát sinh thủ tục hành chính (TTHC). Các HKD đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.

Đánh giá việc sửa Luật DN lần này, trong đó có quy định về HKD là một “cuộc cách mạng” tạo ra Luật DN thế hệ mới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện nay, HKD đóng góp 30% vào GDP, tạo việc làm cho 1,8 triệu người nhưng lại chỉ đóng góp 1,6% vào ngân sách. Hơn nữa, việc “đứng ngoài vòng pháp luật” này khiến HKD khó được bảo đảm quyền lợi, cũng như khó tiếp cận chính sách hỗ trợ. Do địa vị pháp lý chỉ được quy định trong Nghị định khiến các HKD dù muốn tham gia thị trường thế giới cũng rất vướng. Vì vậy, chỉ khi quy định trong Luật, HKD mới bảo đảm bình đẳng được hỗ trợ, bảo vệ và thúc đẩy phát triển.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc có hay không nên đưa HKD vào Luật, thay vào đó xây dựng cơ sở pháp lý khác để tạo điều kiện cho HKD doanh phát triển, lớn lên thành DN.

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco (Hà Nội) cho rằng, xây dựng quy định pháp lý cho HKD là yêu cầu không xuất phát từ nhu cầu sửa đổi Luật DN mà nhằm nâng cao vị thế của HKD. Vì vậy, cần thay đổi cách quản lý với nhiều HKD gia đình - khu vực đóng vai trò lớn vào đời sống kinh tế, một trong những động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế Việt Nam. HKD vẫn quản lý theo hình thức thuế khoán, trong khi đó có nhiều HKD có quy mô còn lớn hơn DN. Cơ chế pháp lý và hành lang pháp lý quản lý rõ ràng còn bất cập, thiếu và yếu. Theo quy định, đơn vị kinh doanh sử dụng 10 lao động phải thành lập DN nhưng đang tồn tại thực tế nhiều đơn vị sử dụng hơn 10 lao động vẫn không kê khai để tránh phải thành lập DN; trốn thuế, sử dụng hàng lậu, hàng giả vì không sử dụng hóa đơn chứng từ, không biết cơ quan nào quản lý đối tượng này. Đó là lỗ hổng, nên cần tìm ra giải pháp tăng cường khuôn khổ pháp lý. Bản thân Luật DN không có điều chỉnh về HKD cá thể, luật chuyên ngành như: đất đai, khoáng sản, tài nguyên và môi trường… cũng bỏ ngỏ quản lý, dẫn tới không thể quản lý được HKD cá thể.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, Luật DN chỉ giải quyết ba bài toán là gia nhập thị trường, quản trị nội bộ và thoái lui là phá sản. Quá trình hoạt động HKD còn liên quan tới nhân sự, bảo hiểm, thuế… bản thân những vấn đề này đòi hỏi các luật chuyên ngành điều chỉnh. HKD xuất hiện ở Việt Nam do yếu tố lịch sử, không thể loại bỏ ngay HKD. Do vậy, Luật DN sửa đổi lần này phải đưa HKD vào một cách hợp lý.

Ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn, khu vực HKD là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt. Thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật DN, các HKD có thể phải đóng góp nhiều hơn nhưng sẽ đỡ chi phí không chính thức.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nêu quan điểm không cần thiết đưa HKD cá thể vào Luật DN. Luật đã có tên là Luật DN, nếu đưa HKD vào thì khó, bởi lẽ DN là pháp nhân, còn cá nhân kinh doanh là thể nhân, không thể đưa Luật DN điều chỉnh HKD cá thể, thay vào đó có thể quản lý HKD cá thể bằng các khuôn khổ pháp lý khác. Không nhất thiết phải quản lý HKD bằng Luật DN. Thậm chí, nếu sửa đổi Luật nhưng không ban hành các văn bản hướng dẫn cũng sẽ không thực hiện được. Thay vì quản lý HKD trong Luật DN, Nhà nước cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định về vay vốn, TTHC để HKD lớn lên thành DN. Chúng ta khuyến khích HKD chuyển đổi thành DN nhưng phải tạo điều kiện cho người ta thấy những ưu đãi rõ ràng về thuế, tín dụng, đất đai. Nếu không bình đẳng về thuế, HKD đóng thuế thấp thì làm gì cần phải chuyển sang DN? Vì vậy, phải xác định doanh thu tính thuế đúng thực tế phát sinh. Nếu chuyển đổi sang DN sẽ thuận lợi hơn như có hóa đơn điện tử, DN mua hàng hóa của mình được khấu trừ thuế đầu vào, ưu đãi thuế… chắc chắn HKD sẽ tự nguyện chuyển lên DN. Khi đó, mục tiêu có một triệu DN vào năm 2020, 1,5 triệu DN vào năm 2025 và đến năm 2030 có ít nhất hai triệu DN là hoàn toàn khả thi.

Bên cạnh đó, với những HKD có lao động dưới 10 người, doanh thu thấp hơn chưa có điều kiện chuyển lên thành DN, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cần có môi trường pháp lý để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho họ kinh doanh tốt hơn. Quan trọng nhất không phải là quản HKD ở đâu mà phải tạo ra khuôn khổ pháp lý cho HKD không có điều kiện chuyển lên DN nhưng vẫn đóng góp cho xã hội. Đồng thời có những giải pháp kịp thời hỗ trợ HKD về tiếp cận vốn, tiêu thụ sản phẩm, nhận chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật…

Theo bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu đưa HKD vào dự thảo sửa đổi Luật DN chỉ để hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ Nhà nước liệu có “dàn trải”, có khả thi? Vì thực tế Nhà nước cũng không hỗ trợ được hết, mà nếu có hỗ trợ thì cũng không thấm vào đâu so nhu cầu của họ.