Lãi suất tiếp tục giảm

Chỉ số lạm phát năm 2021 dự kiến ở mức 3,5%, lãi suất huy động (LSHĐ) hiện tiệm cận mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi suất cho vay (LSCV) vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ chính sách. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí đi vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (TTTD) trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Hiện tại, lãi tiết kiệm kỳ hạn ba tháng cao nhất chưa tới 4%/năm. Ảnh: NAM HẢI
Hiện tại, lãi tiết kiệm kỳ hạn ba tháng cao nhất chưa tới 4%/năm. Ảnh: NAM HẢI

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, LSHĐ tiết kiệm kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng đều dưới 4%/năm, kỳ hạn dài hơn từ 13 đến 36 tháng cũng không quá 5,5%/năm, tức giảm khoảng 0,5%/năm so trước Tết ở cả khối NH có vốn nhà nước chi phối và NH tư nhân. Trong nhóm NH có vốn nhà nước chi phối, tại Vietcombank, LSHĐ kỳ hạn 1 - 2 tháng hiện ở mức 2,9%/năm; kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng là 5,3%/năm… giảm 0,1 điểm phần trăm so tháng 1 - 2021, cũng là mức thấp nhất nhóm.

Tại một số NHTM cổ phần, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sau Tết Nguyên đán 2021 đã giảm nhẹ khoảng 0,5%/năm. Trước Tết, phần lớn các NH cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn. Hiện tại, lãi tiết kiệm kỳ hạn ba tháng cao nhất chưa tới 4%/năm, kể cả các NH thường “neo” lãi suất ở mức cao. Đơn cử, tại SCB, lãi suất kỳ hạn ba tháng trở xuống cao nhất còn 3,85%/năm nếu trả lãi trước. Lãi suất kỳ hạn sáu tháng cao nhất là 5,7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ. Mức lãi cao nhất là 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên.

Trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng tháng 2 - 2021, Techcombank tiếp tục giảm lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn với mức giảm 0,4 điểm phần trăm so tháng đầu năm. Lãi suất tiền gửi thấp nhất được áp dụng cho nhóm khách hàng phổ thông độ tuổi dưới 50 tuổi ở mức 2,35%/năm kỳ hạn 1 tháng; từ 6 - 8 tháng là 3,8%/năm; lãi suất cao nhất khi gửi kỳ hạn từ 12 - 36 tháng là 4,6%/năm và mức lãi suất 5,5%/năm chỉ được áp dụng cho các khách hàng 50 tuổi trở lên với số tiền gửi tối thiểu ba tỷ đồng, kỳ hạn gửi từ 13 - 36 tháng.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến cầu vốn của khách hàng khó kỳ vọng tăng nhanh, trong khi thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào, cho nên lãi suất sẽ còn giảm, dù không nhiều.

Thực tế, lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm mạnh so đầu năm ngoái khi NHNN đã ba lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành (LSĐH) với tổng mức giảm từ 1,5 - 2 điểm phần trăm trong năm qua. Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng đã giảm xuống mức 4%/năm, kỳ hạn 6 - 13 tháng lãi suất cao nhất cũng chỉ ở mức 5,6%/năm. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động vào hệ thống NH trong năm 2020 vẫn tăng tích cực khoảng 13%, chỉ thấp hơn một chút so năm 2019. Nhờ chi phí đầu vào cắt giảm, mặt bằng LSCV hiện giảm bình quân khoảng 1%/năm so cuối năm 2019; LSCV ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Chi phí đầu vào giảm là điều kiện để NH cắt giảm LSCV. Đây không chỉ là mong muốn của khách hàng mới, mà còn của những khách hàng hiện hữu. Theo nhiều khách hàng đã vay vốn mua nhà đang trông chờ NH giảm LSCV từ mức 11 - 13%/năm từ năm trước xuống mức 9 - 10%/năm như hiện tại.

TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, mặt bằng lãi suất khả năng sẽ giảm nhẹ thời gian tới do lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.

Theo Báo cáo triển vọng vĩ mô 2021 của Công ty Chứng khoán (CTCK) KB Việt Nam, nhiều khả năng NHNN sẽ hạ LSĐH thêm một lần nữa trong nửa đầu năm 2021, trước khi tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm. Trong số các yếu tố tác động có nguyên nhân về việc lộ trình giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10 - 2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi, nhất là kỳ hạn dài, làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi.

CTCK SSI cũng dự báo, lãi suất sẽ thoát đáy và đi lên trong năm nay khi TTTD cao hơn và kinh tế phục hồi. Ước tính TTTD năm 2021 sẽ nằm trong khoảng 13 - 14%, cao hơn so mức 12,13% của năm 2020.

Còn CTCK Rồng Việt đánh giá, lạm phát năm 2021 dự kiến ở mức 3,5%, LSHĐ tiệm cận mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng LSCV vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ chính sách. NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí đi vay để thúc đẩy TTTD trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2020, đại diện NHNN đã yêu cầu các NH tiếp tục xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm thêm LSCV, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung - dài hạn.

Thông thường, sau Tết Nguyên đán là thời điểm cầu tín dụng chưa tăng cao. Mặt khác, NHNN dù cấp thêm hạn mức TTTD cho các NH, nhưng được tính theo quý thay cho cả năm như trước, nên cũng phần nào ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng đầu năm của các NH. Vì thế, các NH khó có thể duy trì LSCV ở mức cao, kể cả tín dụng cá nhân. 

Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2021 của CTCK Vietcombank nhận định, LSHĐ có thể giảm thêm, sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Xu hướng tăng của LSHĐ thời gian qua chủ yếu đến từ việc các NH tăng huy động để đáp ứng các chỉ số an toàn, cạnh tranh thu hút khách hàng và có nguồn lực mở rộng cho vay. Năm 2021, NHNN tiếp tục định hướng mục tiêu tín dụng tập trung vào chất lượng, TTTD cả năm 2021 được dự báo ở mức 11 - 12%, thấp hơn giai đoạn 2016 - 2017, cho nên LSHĐ không có nhiều áp lực tăng trở lại.

Về xu hướng lãi suất trong ngắn hạn, theo nhiều chuyên gia kinh tế cũng có cùng nhận định, khả năng LSHĐ sẽ tiếp tục đi xuống trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động tới khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.