Lãi suất cho vay đang ở mức thấp

Sau ba đợt giảm lãi suất trong năm 2020, hiện mặt bằng lãi suất cho vay (LSCV) của các ngân hàng (NH) đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mức lãi suất huy động (LSHĐ) ngắn hạn từ sáu tháng trở xuống hiện đều dưới mức 4%/năm. Các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cũng quanh mức 5,5%/năm. 

Nhiều ngân hàng đưa ra tín hiệu từ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn. Ảnh: NAM ANH
Nhiều ngân hàng đưa ra tín hiệu từ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn. Ảnh: NAM ANH

Trong bối cảnh LSHĐ đã tiệm cận mức thấp nhất lịch sử, tín hiệu từ LSCV đã được nhiều NH đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người vay vốn. Thực tế, lãi suất tại nhiều NH thương mại cổ phần (TMCP) có vốn nhà nước lẫn NH tư nhân tiếp tục giảm mạnh sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, mức LSHĐ ngắn hạn từ sáu tháng trở xuống hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử, đều dưới mức 4%/năm. Các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cũng quanh mức 5,5%/năm.

Theo các chuyên gia, việc giảm LSCV sẽ cần độ trễ ít nhất vài tháng sau khi LSHĐ được điều chỉnh giảm. Đây là thời gian để các NH huy động được nguồn vốn giá rẻ trước khi cho vay.

Tuy nhiên, với nguồn vốn dồi dào, một số NH đã công bố giảm LSCV để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, VietinBank đã gia hạn chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30-6-2021, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn. VietinBank tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung và dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng, thời gian ưu đãi lên tới 36 tháng. Đây là chương trình ưu đãi LSCV với quy mô vốn lớn nhất năm 2020 và 2021 dành cho khách hàng cá nhân, DN siêu vi mô và chủ DN tư nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống hoặc SXKD.

Từ cuối tháng 2-2021, Vietcombank cũng đồng loạt giảm LSCV đối với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới đối với khách hàng trong thời gian ba tháng kể từ ngày 22-2 đến 22-5-2021. Theo đó, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả NH cho các khách hàng DN bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả NH cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Khách hàng cá nhân cũng được giảm lãi suất 0,2 điểm % khi vay vốn sản xuất, kinh doanh (SXKD) trước ảnh hưởng của đại dịch. Dự kiến, được giảm lãi suất lần này có khoảng 105.000 khách hàng với quy mô tín dụng 350.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% dư nợ của Vietcombank. Việc hạ lãi vay của Vietcombank đã lan tỏa tới nhiều NH khác, dù những khoản nợ được giảm lãi suất trong chương trình này của Vietcombank không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất.

Tương tự, HDBank cũng công bố giảm LSCV, trong đó LSCV thấp nhất là 3%/năm đối với các cá nhân và DN siêu nhỏ đang thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh. Gói vay này dành cho khách hàng vay vốn để SXKD và tiêu dùng lên đến ba tỷ đồng, ân hạn vốn gốc sáu tháng. Ngoài ra, HDBank còn dành mức lãi suất 4,5%/năm đối với các cá nhân và DN siêu nhỏ không cần chứng minh bất kỳ khó khăn nào do dịch bệnh làm sụt giảm doanh thu, thu hẹp thị trường… Chương trình này kéo dài hết năm 2021. HDBank còn hỗ trợ người cho thuê nhà vay với hạn mức lên đến hai tỷ đồng/khách hàng, lãi suất ưu đãi từ 9%/năm, thời gian ân hạn gốc lên tới 24 tháng. Mức lãi suất ưu đãi 8,6%/năm, hạn mức lên đến hai tỷ đồng/khách hàng, thời hạn hợp đồng hạn mức tín dụng dài 60 tháng cũng được phê duyệt nhanh chóng cho hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ sở hữu địa điểm, mặt bằng kinh doanh.

Trước đó, từ đầu năm 2021, OCB đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi về vay vốn và dịch vụ tài chính dành cho DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và các DN trẻ.

Vietbank cũng triển khai chương trình “Chung tay cùng DN năm 2021” và “Gắn kết DN xuất nhập khẩu năm 2021” với LSCV ưu đãi chỉ 6,8%/năm (VND). Riêng mục đích giải ngân phục vụ SXKD xuất nhập khẩu thì LSCV chỉ từ 6,5%/năm (VND) và 3%/năm (USD); đồng thời DN được miễn phí trả nợ trước hạn và giảm 50% phí thanh toán quốc tế. Chương trình kéo dài từ nay đến hết ngày 30-6-2021.

Thực tế minh chứng, sau nhiều đợt giảm lãi suất mạnh trong năm vừa qua, hiện mặt bằng LSCV của các NH đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, LSCV ngắn hạn bằng VND của các NH thương mại Nhà nước hiện nay phổ biến ở mức 5 - 6%/năm, 7 - 8%/năm trung dài hạn (trong sáu tháng hoặc một năm đầu). Đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, lãi vay ngắn hạn chỉ quanh mức 4,5%/năm. Tại khối NH TMCP, lãi vay cao hơn một chút, song các NH này có chính sách ưu đãi dành riêng cho các nhóm khách hàng tiềm năng.

Trong thời gian tới, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều NH giảm LSCV hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, giúp các DN có thêm sức đề kháng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, tạo đà tăng tốc hoạt động SXKD cho cả năm 2021 được thuận lợi. Với việc giảm LSHĐ lẫn LSCV, kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn so kênh đầu tư chứng khoán (CK), vàng và bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, “lợi nhuận cao luôn song hành với rủi ro lớn”. Các kênh đầu tư như: CK, BĐS, vàng… mức độ sinh lời từ giá tăng bao giờ cũng cao hơn gửi tiết kiệm ăn lãi suất, nhưng mức độ rủi ro của các kênh đầu tư này cũng lớn hơn nhiều bởi giá cả thường biến động mạnh. Vì thế nó thường đòi hỏi các nhà đầu tư (NĐT) phải có kinh nghiệm và kiến thức.

Một số chuyên gia nhận định, hiện không ít NH vẫn đang trả lãi tới 5,5% - 6% cho kỳ hạn 12 tháng. Các NĐT nên chia số tiền của mình sẵn có cho các kênh đầu tư để tránh rủi ro nếu có nhiều tiền. Tùy từng thời điểm mà có thể đầu tư vào CK, BĐS hay gửi NH.