Lãi suất cho vay đã giảm

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay (LSCV), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất tối đa (LSTĐ) có hiệu lực kể từ ngày 19-11-2019. Ngay sau quyết định này, Vietcombank, MSB đã thực hiện giảm LSCV. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) khác cũng đã triển khai kế hoạch giảm LSCV.

Nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai kế hoạch giảm lãi suất cho vay. Ảnh: NG.ANH
Nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai kế hoạch giảm lãi suất cho vay. Ảnh: NG.ANH

Theo báo cáo của NHNN, từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan này điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô (KTVM) khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thanh khoản của tổ chức tín dụng (TCTD) được bảo đảm và có dư thừa; thị trường tiền tệ (TTTT), ngoại hối ổn định, thông suốt. Cùng với các giải pháp, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, KTVM tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế quý III-2019 đạt 7,31%, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất không tăng, còn việc có giảm hay không còn phụ thuộc vào tình hình thực tế, điều kiện KTVM và quan hệ tín dụng của DN với NHTM. Trên cương vị là cơ quan quản lý, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm LSCV, trên cơ sở diễn biến KTVM, TTTT, ngoại hối, NHNN ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 19-11-2019. Thứ nhất là Quyết định số 2415/QĐ-NHNN về mức LSTĐ đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN. Theo đó, LSTĐ áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; LSTĐ áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; LSTĐ áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Thứ hai là Quyết định số 2416/QĐ-NHNN về mức LSCV ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Theo đó, LSCV ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; LSCV ngắn hạn tối đa bằng VND của QTDND và TCTCVM đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Sau khi lãi suất huy động (LSHĐ) có tín hiệu giảm tại một số NHTM, kết hợp quyết định điều hành LSTĐ của NHNN, ngay trong ngày 18-11, thị trường đã đón trường hợp đầu tiên công bố giảm LSCV... Cụ thể, Vietcombank công bố quyết định giảm đồng loạt 0,5%/năm LSCV đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của DN. Như vậy, lần đầu tiên trong năm nay chính sách giảm LSCV của Vietcombank được áp dụng rộng cho tất cả các DN. Tuy nhiên, nếu xét riêng ở năm nhóm lĩnh vực ưu tiên thì đây là lần thứ ba trong năm, Vietcombank hạ LSCV. Các khoản vay thuộc các lĩnh vực này sẽ được NH giảm xuống mức 5%/năm đối với cho vay ngắn hạn hiện hữu, đưa lãi suất về mức thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so quy định của NHNN. Đáng chú ý, lần giảm LSCV này áp dụng không phải từ 18-11 mà từ ngày 1-11-2019, tức các khoản vay trước đó cũng được áp dụng.

Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, sau khi Thủ tướng Chính phủ có định hướng tiếp tục giảm LSCV trong năm 2020, cũng như NHNN có chủ trương, Vietcombank đã cân đối lại tài chính và thực hiện giảm trước định hướng tại hai tháng cuối năm 2019. Việc giảm LSCV này sẽ có tác động trực tiếp tới hơn 320.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank. Do đó, lợi nhuận NH sẽ giảm 260 - 300 tỷ đồng trong hai tháng cuối năm. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận năm đã đề ra vẫn không bị ảnh hưởng vì Vietcombank sẽ nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí trích lập dự phòng và giảm thiểu chi phí hoạt động. Động thái này của NH sẽ giúp các DN có nhiều lựa chọn hơn trong việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, dư địa tín dụng của NH từ nay đến cuối năm còn 5%.

Tương tự, MSB cũng công bố giảm LSCV. Theo đó, ngân hàng này áp dụng LSCV ưu đãi với mức giảm đến 2%/năm áp dụng cho tất cả các khách hàng mới và tới 1%/năm cho các khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện. Mức ưu đãi dành cho các DN có nhu cầu vay ngắn hạn, trung và dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư trang thiết bị… Lãnh đạo MSB cho biết, với quyết định này, LSCV khách hàng DN, DNNVV tối thiểu áp dụng cho kỳ hạn từ ba tháng là 6,99%/năm, kỳ hạn từ sáu tháng là 7,49%/năm dành cho khách hàng vay lần đầu. MSB cũng dành ưu đãi LSCV đặc biệt cho khách hàng mới là DN siêu nhỏ…

Được biết, nhằm bám sát chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo điều hành của NHNN, ngoài Vietcombank, MSB, nhiều NHTM khác cũng đã triển khai kế hoạch giảm LSCV.

Trước đó, tại báo cáo trước Quốc hội về việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Phấn đấu năm 2020 giảm ít nhất 0,5% LSCV, đặc biệt là đối với những lĩnh vực ưu tiên”.