Kiểm soát tốt giá cả thị trường

Để kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội (QH) đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần được thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động và nhất là điều hành giá quý I-2020 phải hết sức chặt chẽ.

Giá thịt lợn chưa có dấu hiệu giảm. Ảnh: LAM ANH
Giá thịt lợn chưa có dấu hiệu giảm. Ảnh: LAM ANH

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giá thịt lợn năm 2019 đã tạo nên “cú sốc” lớn cho thị trường và được chia làm hai giai đoạn: nửa đầu năm giảm mạnh, nửa cuối năm tăng kỷ lục. Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2019, giá thịt lợn hơi giảm xuống thấp kỷ lục 28.000 - 32.000 đồng/kg từ mức 46.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 7, giá thịt lợn có xu hướng tăng dần và tăng mạnh, nhất là từ tháng 10 đến nay đã có mức tăng khoảng 60 - 80% so tháng 9-2019 và tăng 60 - 95% so đầu năm 2019. Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao: lợn hơi 80.000 - 90.000 đồng/kg, thành phẩm 160.000 - 180.000 đồng/kg.

Để bình ổn giá thịt lợn, Bộ Công thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu lượng thịt thiếu hụt. Hiện tại có 24 quốc gia với 1.753 DN được cấp phép, có đủ điều kiện xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi tới các bộ, ngành, đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt gà và thịt lợn.

Bước sang đầu năm 2020, cũng là thời điểm sát Tết Nguyên đán Canh Tý, giá thịt lợn không có dấu hiệu giảm, tuy nhiên nhờ các biện pháp bình ổn từ cơ quan quản lý, giá thịt lợn không có chiều hướng gia tăng.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả năm 2019 và dự báo năm 2020, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, sau “cú sốc” giá thịt lợn tăng hơn 50% trong quý IV-2019, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12-2019 đã tăng 5,23% so cùng kỳ năm trước, cao nhất trong chín năm qua.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, có ba kịch bản về diễn biến chỉ số lạm phát được đưa ra. Thứ nhất, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng Tết thì lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%. Thứ hai, nếu giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay trong quý I-2020 thì lạm phát trung bình năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%. Thứ ba, kịch bản tệ nhất là dịch tả lợn châu Phi chưa kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020 thì việc kiềm chế lạm phát dưới 4% tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới. Với giả định các yếu tố khác tác động đến lạm phát như: giá dầu, tỷ giá, các dịch vụ y tế, giáo dục… không thay đổi lớn, dự báo lạm phát sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% (+/-0,5%) trong năm 2020.

Cùng quan điểm này, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, thịt lợn là mặt hàng được bình ổn nhưng lại bình ổn theo giá thị trường, nguyên nhân là do các cơ quan chức năng không quyết định được giá lợn tại các trang trại. Luật Giá đã quy định trong những thời điểm khó khăn phải có những biện pháp cứng rắn hơn và phải kê khai giá, xác định giá thành.

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, một số mặt hàng có thể có xu hướng tăng giá. Cụ thể, giá xăng dầu không loại trừ khả năng có thể tăng nhẹ do những bất ổn kinh tế, chính trị thế giới. Về giá thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung thịt lợn trong nước hiện đang giảm, việc tái đàn chưa hiệu quả nên dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2020. Giá dịch vụ y tế dự kiến chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế (bước 3). Giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 theo lộ trình của Chính phủ. Về giá điện, mặc dù hiện nay chưa có phương án điều chỉnh tăng trong năm 2020, tuy nhiên nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng, sẽ tác động tăng CPI. Ngoài ra, giá đất trong bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 sẽ điều chỉnh tăng khoảng 10 - 20% so năm 2019. Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc có thể tăng theo quy luật vào đầu và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp lễ, Tết…

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, việc quản lý và điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát năm 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so mấy năm gần đây. CPI và lạm phát không chỉ là kết quả của sự vận động hay quản lý, điều hành thị trường giá cả, mà còn là hệ quả tất yếu của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật là chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Theo Cục Quản lý giá, để kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4% theo mục tiêu QH đề ra, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động và nhất là kịch bản điều hành giá quý I-2020 phải hết sức thận trọng. Với những yếu tố tác động tới CPI như dự báo, cơ bản sẽ không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá vào quý I-2020, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, Tết.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, để kiểm soát tốt giá cả thị trường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2020.