Kiểm soát thị trường thịt lợn

Liên tục từ đầu năm, lực lượng quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương đã chốt chặn ở các điểm nóng nhằm ngăn chặn nhập lậu thịt lợn chưa qua kiểm dịch vào trong nước. Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tăng cao, công tác chống nhập lậu thịt lợn càng được triển khai mạnh.

Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn thường tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: NG.HẢI
Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn thường tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: NG.HẢI

“Nóng” chuyện nhập lậu thịt lợn

Chỉ riêng tháng 11, nhiều vụ thịt lợn nhập lậu đã bị các lực lượng chức năng (LLCN) phanh phui, đặc biệt tại các khu vực biên giới. Tại tỉnh An Giang, tính từ tháng 10 đến ngày 17-11, các LLCN đã phát hiện 15 vụ với hơn 4.000 con.

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh, trước đây rất ít khi phát hiện lợn nhập lậu. Nhưng những tháng gần đây, lợn nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam qua biên giới An Giang gia tăng. Lợn được lén lút vận chuyển qua biên giới, không qua kiểm dịch nên nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn các địa phương Việt Nam là rất cao. Vì tại tỉnh Tà Keo, Campuchia, dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành. Trong khi lợn nhập lậu được tập kết ở tỉnh này trước khi đưa sang An Giang tiêu thụ.

Theo Bộ Công thương, dự kiến trong cuối năm 2019, Việt Nam thiếu khoảng 200 nghìn tấn thịt lợn, đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán. Tình hình buôn lậu lợn sẽ còn gia tăng, trong khi việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Liên tục từ đầu năm, vừa chốt chặn, lực lượng QLTT vừa động viên các tiểu thương ở các khu chợ đầu mối ký cam kết không tiêu thụ thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Mới đây, Tổng cục QLTT tiếp tục có Công văn số 2344/TCQLTT-THKHTC chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án phối hợp Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu.

Ngoài ra, tại thị trường trong nước, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp Cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông; phối hợp cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Lực lượng QLTT cũng tăng cường phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn các quy định của pháp luật về VSATTP và các tác hại, nguy cơ lây lan dịch bệnh do sử dụng, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Mục tiêu bình ổn giá thịt lợn

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nêu, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều quốc gia đã thiếu hụt nghiêm trọng mặt hàng này, điển hình như Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu (NK) của Việt Nam cũng lên đến 54 nghìn tấn. Dù chúng ta đang thiếu nguồn cung thịt lợn, song trong danh sách 24 quốc gia được phép NK thịt lợn vào Việt Nam hiện không có Thái-lan.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước phối hợp chặt chẽ các địa phương, nhất là các địa phương khu vực biên giới tăng cường kiểm tra, ngăn chặn buôn lậu thịt lợn từ nội địa qua biên giới; đồng thời, ngăn chặn buôn lậu thịt lợn (chủ yếu từ Thái-lan, Campuchia - hai quốc gia chưa được phép NK thịt lợn vào Việt Nam) vào trong nước.

Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê, thời gian tới chúng ta sẽ thiếu hụt khoảng 200 nghìn tấn thịt lợn và để bù đắp, Chính phủ đã chỉ đạo cần phải NK. Nguyên tắc NK là lựa chọn các đối tác lớn, cân đối lợi ích giữa người chăn nuôi, người tiêu dùng (NTD) và bình ổn giá.

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN để nắm bắt được tình hình cung cầu trong nước, tham mưu đề xuất ban hành các biện pháp phù hợp, bảo vệ quyền lợi NTD. Cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương sẽ phối hợp các DN đầu mối để bảo đảm NK lượng lợn cần thiết từ các nước, trong đó ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ NK từ các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, với mục tiêu bảo đảm nguồn cung về thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán và cả sau Tết.

Theo Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đến nay, 14/63 tỉnh có hơn 85% số xã không phát sinh dịch trên 30 ngày. Đây là điều kiện thuận lợi để tái đàn. Về phương án bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá thịt lợn trong thời gian tới, Bộ vừa có cuộc họp với các địa phương trọng điểm, doanh nghiệp (DN) chăn nuôi và cung ứng thịt lợn lớn. Theo đó, thống nhất phương án duy trì giá thịt lợn dưới 70 nghìn đồng/kg.