Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng

Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn ngành ngân hàng (NH) ước đạt mức 8%. Với mục tiêu tín dụng tăng không quá 17% của năm nay, trong hơn bốn tháng còn lại của năm 2018 mức TTTD phải đạt được 9% nữa. Theo các chuyên gia tài chính (TC) - NH và cả các NHTM, việc bảo đảm có được mức tăng này không khó vì thời điểm cuối năm nền kinh tế luôn có nhu cầu vốn rất cao. Tuy nhiên, mục tiêu mà nhà điều hành hướng tới là bảo đảm tăng thực chất tín dụng, không tăng trưởng bằng mọi giá.

Dòng vốn đã đi đúng mục đích, đồng hành doanh nghiệp cả về nguồn vốn và lãi suất. Ảnh: SONG ANH
Dòng vốn đã đi đúng mục đích, đồng hành doanh nghiệp cả về nguồn vốn và lãi suất. Ảnh: SONG ANH

Lại nóng chuyện “khan” room

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, tín dụng nửa đầu năm 2018 tăng trưởng thấp nhất trong ba năm qua. Cụ thể, sáu tháng đầu năm, TTTD toàn hệ thống đạt 7,88%, trong khi cùng kỳ các năm 2016 và năm 2017 tăng trưởng 8,2% và 9,06%. Trong ba năm trở lại đây, cơ chế tín dụng đã linh hoạt hơn so giai đoạn trước đó, với mức TTTD bình quân hằng năm 17-18%.

Theo các nhà phân tích tài chính, năm 2018, tuy sức ép TTTD giảm, nhưng mục tiêu TTTD mà NHNN đưa ra vẫn ở mức 17-18% nhằm bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Như thông lệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu TTTD năm 2018 cho từng NH. Tuy nhiên, mức tối đa mà NHNN giao cho các NH chỉ là 14%, thấp hơn so mục tiêu chung của toàn ngành là 17% và thấp hơn khá nhiều so con số của cùng kỳ các năm trước.

Trong bối cảnh tình hình kinh doanh khởi sắc, không ít NH đã được NHNN chấp thuận mở rộng chi nhánh và phòng giao dịch trong năm 2018, trong khi chỉ tiêu TTTD vẫn “bó hẹp”. Thống kê cho thấy, tính đến đến hết tháng 6-2018, nhiều NH đã dần “cạn room” tín dụng được cấp từ đầu năm, thậm chí có NH đã vượt room tín dụng được giao. Chẳng hạn, TTTD sáu tháng đầu năm 2018 của TPBank đã ở mức 16%, trong khi tại Vietcombank¸ Kienlongbank... mức tăng trưởng đạt từ 9 - 12%.

Việc phải trình xin nới chỉ tiêu TTTD trong thời gian tới là chắc chắn. Nếu không được nới chỉ tiêu này, tình hình sẽ rất căng và các NH phải gồng mình để “co kéo” cho vừa. Thậm chí, hiện không hiếm NH đã âm (-) chỉ tiêu TTTD như: Viet A Bank, Nam A Bank, AB Bank, Eximbank... Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng không hề dễ dàng, bởi không phải NH nào xin điều chỉnh cũng được chấp thuận. Và đến nay, NHNN chưa chấp thuận cho NH nào được nâng room.

Với những NH quy mô lớn, TTTD 1% có khi đã bằng các NH nhỏ, nên không nhất thiết phải giao chỉ tiêu TTTD quá cao. Trong khi các NH nhỏ, có tiềm năng phát triển lại bị hạn chế bởi “room” tín dụng. Theo các chuyên gia TC-NH, biện pháp hành chính này đã có giá trị nhất định trong giai đoạn bất ổn trước đây, nhưng đến nay, việc vẫn áp đặt chỉ tiêu TTTD không tạo sự cạnh tranh lành mạnh và động cơ phát triển cho các NH. Bởi thực tế, cơ quan quản lý đã có trong tay công cụ để kiểm soát chặt chẽ các NH là hệ số tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).

“Tử số của CAR là vốn chủ sở hữu và mẫu số là tín dụng và đầu tư. Theo đó, việc kiểm soát TTTD bằng hệ số này sẽ hợp lý hơn và không mang tính hành chính”, Tổng giám đốc một NH khuyến nghị.

Mặt khác, Báo cáo tổng hợp kiểm toán các tổ chức tài chính, NH năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, nhiều NHTM đã TTTD vượt mức cho phép của NHNN như: VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank, Nam A Bank, VPBank, VIB, VietABank, TPBank, PVcomBank, LienVietPostBank, SHB, HDBank… Thực tế, các NH đều phải xin NHNN nới “room” khi hết chỉ tiêu.

Các chuyên gia TC-NH nhận định, TTTD giảm tốc là do NHNN muốn kiểm soát chặt cung tiền M2 và cho vay mới trong bối cảnh lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy, NHNN sẽ khắt khe hơn trong việc cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các NHTM năm nay.

Trong khi đó, Thông tư số 19/2017 của NHNN yêu cầu tất cả NH phải giảm 25% vốn tự có cấp 2 (khoản vốn mà các NH phát hành cho nhau) trong năm 2018, sau đó là 50% trong năm 2019 và 100% vào năm 2021. Theo đó, tỷ lệ CAR của nhiều NH đã sụt giảm nhanh chóng. Chẳng hạn, CAR của VietinBank từ mức 10% vào cuối năm 2017 đã giảm về 9,5% tính tới 31-3-2018; CAR của VPBank cũng giảm từ 14,6% xuống 13,2% tính tới 30-6-2018.

Nhất quán chính sách tiền tệ

Theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến thời điểm này TTTD ở mức khoảng 8%, là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ ba năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức tăng này đã được dự liệu trước bởi ngay từ năm ngoái NHNN cũng không muốn TTTD quá cao. Nếu tín dụng năm nay không điều chỉnh về mức thích hợp, có thể dồn tụ tín dụng của những năm trước sẽ gây sức ép lớn cho việc kiểm soát lạm phát năm 2019.

Bởi thế, kiểm soát tín dụng, nhất là vốn cho những lĩnh vực không khuyến khích, là một trong những mục tiêu trọng tâm mà NHNN vừa đưa ra tại Chỉ thị 04/CT-NHNN. Theo đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu, kiểm soát chặt chẽ tốc độ TTTD và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng (TCTD) theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu TTTD (trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém). Đặc biệt, các NHTM cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản (BĐS), chứng khoán, BOT, BT giao thông… Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động NH, nhất là những hành vi vi phạm đã được cảnh báo; Kiên quyết xử lý những TCTD không chấp hành chỉ tiêu TTTD và không thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng ảnh 1

Các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: A.NAM

Yêu cầu “siết” dòng vốn đi đúng hướng vừa được nhà điều hành đưa ra không gây bất ngờ đối với các NHTM bởi ngay từ đầu năm, chỉ tiêu TTTD đã được phân bổ cụ thể về từng NH dựa trên các điều kiện thực tế cũng như đánh giá cân đối tài chính của mỗi đơn vị. Và đặc biệt, ở thời điểm này, NHNN không hề thực hiện nới “room” tín dụng cho NH nào.

Động thái này được các chuyên gia TC-NH đánh giá là sát với tình hình thị trường, khi những biến động của thị trường tài chính quốc tế có nhiều chỉ dấu khó lường, tiềm ẩn rủi ro cho điều hành chính sách vĩ mô. Trong nước, thị trường BĐS ít nhiều có tín hiệu tăng nóng, việc xử lý nợ xấu của các NH cũng đang được đẩy mạnh quyết liệt. Vì thế, đưa dòng vốn đi đúng hướng, đúng mục tiêu TTTD sẽ góp phần quan trọng bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Điểm nổi bật của ngành NH từ đầu năm đến nay là dòng vốn đi đúng mục đích, đồng hành với DN cả về nguồn vốn và lãi suất. Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định, cơ cấu tín dụng ngày càng hợp lý hơn khi tỷ lệ cho vay trung - dài hạn có xu hướng giảm dần, các NHTM tập trung nguồn vốn nhiều hơn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, các NH tiếp tục đẩy mạnh vốn cho những lĩnh vực ưu tiên, đồng thời đưa ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho DN. Đơn cử, như tại NamA Bank, đến thời điểm này dư nợ năm nhóm lĩnh vực ưu tiên của NH chiếm tỷ trọng 29% trên tổng dư nợ, và đang tiếp tục đưa vốn vào lĩnh vực này trong những tháng cuối năm. Tương tự, OCB đang thực hiện thí điểm cho nông dân ở tỉnh Vĩnh Long vay với lãi suất 6%/năm. SHB thì đưa ra gói sản phẩm quản lý dòng tiền và chương trình vay thấu chi linh hoạt dành cho khách hàng DN trên phạm vi toàn quốc. Hay tại HDBank triển khai gói “Vay nhanh kinh doanh - Tăng nhanh thu nhập” gồm ba sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ trên cả nước, được hưởng lãi suất vay chỉ 6,3%/năm khi vay sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Hiện tại, câu chuyện “nới room” tín dụng có lẽ sẽ phụ thuộc khả năng kiểm soát chất lượng khoản vay của mỗi NH. Điều này có nghĩa là các NH sẽ phải tự quyết định cho vay bao nhiêu, cho ai vay và cho vay lĩnh vực nào, miễn sao đáp ứng được yêu cầu về CAR. Khi đó, những NH có CAR thấp sẽ phải lựa chọn, hoặc giữ TTTD ở mức thấp, hoặc phải cho vay những ngành nghề có hệ số rủi ro thấp. Đối với những NH đã “cạn room” tín dụng, NHNN sẽ dựa trên năng lực và quản trị rủi ro của từng NH để cấp thêm hạn mức.

Theo chuyên gia TC-NH Cấn Văn Lực, áp lực lạm phát năm nay mạnh hơn các năm trước do giá dầu, giá hàng hóa... tăng, chưa kể những yếu tố tác động bên ngoài như chiến tranh thương mại, chính sách bảo hộ mậu dịch… Do đó, việc đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là rất cần thiết trong lúc này, kể cả việc kiểm soát TTTD.

Hơn thế, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rõ, tinh thần chung trong điều hành của Chính phủ trong thời gian tới là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Đặc biệt, không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm.