Khơi thông dòng nông sản xuất khẩu

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa, nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Liên hiệp châu Âu (EU). Đặc biệt, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của Việt Nam, đây sẽ là “giấy thông hành” để các sản phẩm gia tăng cơ hội xuất khẩu (XK) sang thị trường này.

Cà-phê Buôn Ma Thuột là một trong những sản phẩm được EU đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: HẢI NAM
Cà-phê Buôn Ma Thuột là một trong những sản phẩm được EU đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: HẢI NAM

Kỳ 3: Tấm giấy thông hành vào “cao tốc” EVFTA

Động lực thúc đẩy xuất khẩu

Theo Bộ Công thương, EVFTA được thực thi sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho XK hàng hóa Việt Nam, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp DN đẩy mạnh XK vào thị trường khó tính với 500 triệu dân này. Các sản phẩm được EU cam kết bảo hộ CDĐL chủ yếu là mặt hàng rau, quả (chiếm 49%), sản phẩm cây công nghiệp - chế biến (chiếm 15%), thủy sản và chế biến từ thủy sản (chiếm 13%), sản phẩm khác (chiếm 13%).

Cà-phê Buôn Ma Thuột là một trong những sản phẩm được EU đồng ý bảo hộ CDĐL. Được sự ủy quyền của UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đang nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu CDĐL cà-phê Buôn Ma Thuột tại EU. Bởi lẽ, các sản phẩm cà-phê bền vững có chứng nhận xuất xứ đang được bán cao hơn giá thông thường khoảng 15%. Việc đăng ký bảo hộ CDĐL cà-phê Buôn Ma Thuột là một cách để khai thác thị trường hàng hóa cấp cao, nâng cao giá trị XK.

Tương tự, tỉnh Đồng Nai có duy nhất một CDĐL bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) được EU bảo hộ mà không phải qua thủ tục đăng ký. Trước đó, UBND huyện Vĩnh Cửu đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Đồng Nai thực hiện đề tài “Xác lập quyền CDĐL cho sản phẩm bưởi Tân Triều” và dự án “Quản lý và phát triển CDĐL Tân Triều dùng cho sản phẩm bưởi Đồng Nai” thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của DN thực hiện trong hai năm 2014 - 2015.

Đây là những bước đi quan trọng giúp nâng tầm thương hiệu bưởi Tân Triều hay cà-phê Buôn Ma Thuột… tại thị trường EU. Và như vậy, sau nhiều năm,  người nông dân trồng bưởi ở Tân Triều, hay trồng cà-phê ở Buôn Ma Thuột sản xuất theo mô hình VietGAP, an toàn, hữu cơ có quyền hy vọng, sản phẩm làm ra có thể vươn ra thị trường thế giới. 

Điều này đã được chứng thực bởi trước đó, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên EU và cũng là CDĐL đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU. Kể từ đó, số lượng sản phẩm nước mắm bán ra tại thị trường này đạt gần 500.000 lít. Không chỉ tăng số lượng, giá bán của sản phẩm cũng tăng từ 30 - 50%. Cũng nhờ đó, DN Việt Nam có cơ hội tăng XK sang các thị trường khác như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada.

Theo đánh giá của Cục trưởng Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN Đinh Hữu Phí, trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, cũng như đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chất lượng của người tiêu dùng (NTD) EU, việc 39 CDĐL của Việt Nam được công nhận bảo hộ CDĐL tại EU mà không phải qua thủ tục đăng ký mang lại cơ hội lớn cho DN Việt Nam. Điều này không chỉ bảo đảm quyền lợi đối với các CDĐL dùng cho các nông sản Việt vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà-phê Buôn Mê Thuột… mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho nhiều đặc sản khác như: trà Tân Cương, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn...

Giá trị của CDĐL chỉ được phát huy khi sản phẩm được đóng gói, gắn nhãn mác và sử dụng dấu hiệu CDĐL để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, khoảng 9,52% số CDĐL hiện nay có sử dụng dấu hiệu thường xuyên, còn lại chỉ mang tính thử nghiệm khi có dự án hỗ trợ. Đối với các DN, hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL, chỉ có khoảng 8,13% sử dụng dấu hiệu CDĐL thường xuyên trên thị trường, chủ yếu là nước mắm Phú Quốc, số còn lại không sử dụng dấu hiệu CDĐL trên thị trường.

Trong EVFTA, cả Việt Nam và EU đều đưa ra những CDĐL như một tài sản quý giá cần được bảo vệ, bởi đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến. Trên thực tế, tình trạng một số DN lạm dụng từ “Phú Quốc” để gắn lên chai nước mắm vẫn diễn ra. Điều này không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn gây hiểu lầm cho NTD, cũng như ảnh hưởng uy tín của DN làm ăn chân chính. Do đó, việc bảo vệ thương hiệu một cách chặt chẽ hơn để đấu tranh với những hàng hóa mượn thương hiệu để bán tới tay khách hàng cũng là vấn đề đặt ra đối với các sản phẩm được bảo hộ CDĐL.

Cấp thiết chuyển đổi phương thức sản xuất

Có được tấm giấy thông hành trên “cao tốc” EVFTA được coi là cánh cửa mở cho XK nông sản Việt Nam sang thị trường EU, nhưng điều đó chỉ thành hiện thực khi DN Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật của thị trường được coi là có tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất thế giới hiện nay.

Theo ông Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nông sản Việt có bảo hộ CDĐL còn phụ thuộc vào “gu tiêu dùng” của thị trường nhập khẩu (NK). EU là nơi xuất phát của bảo hộ CDĐL, đây là “điểm cộng” để nông sản Việt tiếp cận gần hơn với NTD tại đây. Theo đó, 39 sản phẩm được bảo hộ CDĐL tại thị trường EU sẽ là lợi thế rất tốt để có thể thúc đẩy XK nông sản. Tuy nhiên, CDĐL không phải là phương thuốc “chữa bách bệnh”, sản phẩm muốn XK được đầu tiên phải bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng được yêu cầu của quốc gia NK. Xây dựng, phát triển và tiếp thị là ba yếu tố song hành để các sản phẩm của Việt Nam được phía EU bảo hộ CDĐL thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN Lê Ngọc Lâm nhận xét, hàng loạt quy định, yêu cầu của EU rất khắt khe, nhất là quy định về các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thực phẩm. Cụ thể, EU yêu cầu các mặt hàng nông sản XK vào thị trường EU phải đạt hai loại chứng nhận cơ bản là GlobalGAP và chứng nhận HACCP. Mặt khác, các mặt hàng nông sản của Việt Nam XK sang EU đều theo cơ chế hậu kiểm. Do đó, khi sản phẩm cập bến EU mới trải qua quá trình kiểm tra, nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ, DN sẽ phải chịu chi phí tiêu hủy. Lúc đó, cả người sản xuất lẫn DN sẽ phải chịu nhiều thiệt hại nếu không kiểm soát chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất. Về lâu dài, điều này sẽ làm giảm giá trị của CDĐL.

Theo Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Lương Hoàng Thái, trên thực tế, những CDĐL của EU trong EVFTA như rượu vang Bordeaux (Pháp), pho mát Mozzarella (Italy) cùng nhiều chỉ dẫn khác đều là những thương hiệu đã nổi tiếng lâu đời. Trong khi đó, những CDĐL của Việt Nam điển hình như gạo Hải Hậu hay trà Tân Cương mới chỉ có “tiếng” ở trong nước. Để nông sản Việt có CDĐL đến gần hơn với NTD, việc tận dụng quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các trào lưu mạng xã hội sẽ hỗ trợ đắc lực cho các CDĐL này có thể nhanh chóng tới được với người tiêu dùng EU. Những tiêu chuẩn của EU là hàng rào kỹ thuật không dễ vượt qua cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, nhưng nhìn ở góc độ khác, cũng tạo “áp lực” để ngành nông nghiệp Việt Nam thay đổi phương thức sản xuất. EVFTA là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sự thâm nhập của nông sản Việt Nam vào thị trường lên tới 18.000 USD. Sản phẩm được bảo hộ CDĐL sẽ góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia và mở rộng sự nhận biết của cộng đồng quốc tế đối với sản phẩm truyền thống của Việt Nam. 

Ông Lương Hoàng Thái dẫn chứng, Campuchia chỉ có hai sản phẩm có CDĐL là hồ tiêu và thốt nốt, nhưng họ khai thác rất tốt giá trị lợi thế này bằng cách chú trọng vào chất lượng, tập trung vào một sản lượng nhỏ để XK. Cụ thể, hiện giá tiêu của Campuchia lên đến 425 USD/kg, trong khi Việt Nam chỉ bán được… 8 USD/kg. Do đó, để khai thác tốt khía cạnh thương mại của CDĐL thì việc tiến hành xây dựng CDĐL cho những sản phẩm đặc sản đã được chế biến sẽ giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường quốc tế.

Để các sản phẩm có CDĐL của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU, theo ông Lương Hoàng Thái, Việt Nam cần xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ CDĐL. Đặc biệt, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ chính các nước EU trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát CDĐL. 

(Còn nữa)