Khơi thông động lực tăng trưởng mới

Khí thế của năm 2019 là khởi điểm thuận lợi cho kinh tế Việt Nam năm 2020 với những động lực tăng trưởng quan trọng. Nhưng thực tế, thách thức cũng không phải là nhỏ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ không chỉ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% Quốc hội (QH) quyết nghị, mà tiếp tục phấn đấu đạt ngưỡng 7%. Do đó, chúng ta cần thêm nhiều chính sách để khơi thông, phát triển các nguồn lực, tạo thêm các động lực tăng trưởng mới.

Doanh nghiệp chờ đợi sự ổn định về chính sách thuế để phát triển đầu tư. Ảnh: NAM ANH
Doanh nghiệp chờ đợi sự ổn định về chính sách thuế để phát triển đầu tư. Ảnh: NAM ANH

Xác định rõ thách thức

Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết, thì một “cuộc chiến” khác đang được châm ngòi giữa Mỹ và Iran. Dù mới chỉ là những xung đột, nhưng ngay lập tức, giá dầu trên thị trường thế giới bị đẩy lên cao. Nhiều dự báo đã được đưa ra, thí dụ như giá dầu có thể tăng lên tới 80 USD/thùng, và kinh tế thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu cuộc chiến này thật sự diễn ra. Đây là diễn biến mới, nếu tình hình ngày càng căng thẳng, thì có thể trở thành một thách thức không nhỏ cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Nhưng kể cả chưa tính đến “cuộc chiến” mới này, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng giảm tốc của kinh tế toàn cầu, những bất ổn địa chính trị, thương chiến Mỹ - Trung Quốc… cũng đã ẩn chứa nhiều rủi ro cho kinh tế Việt Nam.

Chưa kể, những khó khăn nội tại của nền kinh tế khiến mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay là một thách thức lớn. Theo chuyên gia Cấn Văn Lực và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, sản xuất công nghiệp đang giảm đà tăng trưởng; nông nghiệp còn nhiều khó khăn; tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; cải cách thể chế chậm và chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn thị trường… Điều đáng lo ngại còn là khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc đến từ bên ngoài, trong khi Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn; cũng như chuyện một số thị trường, như thị trường bất động sản, đã xuất hiện dấu hiệu rủi ro…

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng bày tỏ mối băn khoăn khi xuất khẩu (XK) của Việt Nam dồn nhiều vào thị trường Mỹ, trong khi lại nhập siêu lớn từ một thị trường. Thêm nữa, tăng trưởng kinh tế dựa vào nợ khá nhiều. Việt Nam muốn đầu tư, đều phải đi vay, dẫn tới nợ ngoại tệ phải trả hằng năm là không nhỏ.

Ông Trần Du Lịch phân tích, 5 năm trước, nhiều DN kêu thiếu vốn và hiện nay, họ vẫn kêu thiếu vốn. Nền kinh tế không thiếu vốn, nhưng nghẽn ở khâu tiếp cận vốn. Tuy nhiên, so 5 năm trước, kinh tế Việt Nam đã “tốt hơn nhiều”. Thậm chí, những yếu tố từng bị coi là nguyên nhân gây bất ổn vĩ mô nay đã ổn định. Thông thường theo chu kỳ, cứ sau 5 năm tăng trưởng thì kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại. Kỳ vọng rằng, giai đoạn tiếp theo sẽ đổi chiều tăng trưởng. Tức là kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mục tiêu tăng trưởng 6,8% mà QH quyết nghị là sự thận trọng cần thiết, Việt Nam phải tiếp tục tạo điều kiện để khơi thông thể chế và nguồn lực, để nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng ở mức cao với nhiều động lực tăng trưởng mới.

Trong khi đó, ông Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhắc đến động lực từ các khoản đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, với mức chi tiêu lớn, sẽ trở thành một nhân tố kích thích DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất, kinh doanh. Điều này góp phần quan trọng để chúng ta tăng thu hút FDI và cũng là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Suốt ba thập niên qua, Việt Nam đã duy trì được tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP khoảng 30%. Đây là động lực quan trọng, nhưng tất nhiên, thách thức với Việt Nam là phải nâng cao năng suất, hiệu quả đầu tư.

Khơi thông động lực tăng trưởng mới ảnh 1

Nâng cao năng suất, hiệu quả đầu tư đang là thách thức với nhiều doanh nghiệp. Ảnh: NG.HẢI

Duy trì và đẩy mạnh các biện pháp cải cách

Tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên 2019 (VBF) được tổ chức mới đây, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, một trong những mối quan tâm lớn của các DN hiện nay là chờ đợi các chính sách thuế được cải thiện theo hướng bảo đảm ổn định, công bằng, phù hợp thông lệ và tiêu chuẩn toàn cầu để thu hút và duy trì đầu tư. Vấn đề mà các DN thành viên Amcham quan ngại nhất hiện nay là sự thay đổi trong chính sách thuế, bao gồm việc áp dụng hiệu lực hồi tố, khiến DN bị động và khó khăn.

Theo báo cáo từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), riêng trong lĩnh vực thuế, các thủ tục hành chính (TTHC) thuế có sự cải thiện, dễ thực hiện nhất là thủ tục nộp thuế, nhưng khó thực hiện nhất là thủ tục hoàn thuế và đề nghị miễn giảm thuế. Tỷ lệ DN khai thuế điện tử lên đến 98,4%. Tuy nhiên, kết quả khảo sát gần đây cho thấy, hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, có 33% số DN cho rằng, cán bộ suy diễn bất lợi cho DN và 30% số DN cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.

Ðáng chú ý, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, kết quả khảo sát cho thấy một thực tế đáng ngại là số lượng DN cho biết họ có thể dự đoán được sự thay đổi nội dung chính sách và thực thi chính sách liên tục trong xu thế giảm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Những thay đổi liên quan chính sách thuế như sự thay đổi liên tục và mức thuế suất cao, điển hình là thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến các DN lo ngại, bởi không chỉ tác động tới các DN là đối tượng của loại thuế này, mà còn đối với rất nhiều ngành công nghiệp có liên quan, cũng như toàn nền kinh tế.

Cũng liên quan đến thuế, bày tỏ băn khoăn về vấn đề đánh thuế hồi tố, theo ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), nếu cứ duy trì cách giải thích như hiện tại về việc chỉ công nhận miễn thuế cho những phần tự sản xuất thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc đánh thuế hồi tố. Thay vì phân định đúng hay sai trong vấn đề giải thích các quy định pháp luật, chính sách thuế nên tập trung thúc đẩy và phát triển các DN nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp phụ trợ - cội rễ công nghiệp của đất nước, nhằm đẩy mạnh XK và nâng cao thu nhập của người dân - điều quan trọng nhất để tăng trưởng kinh tế và phát triển quốc gia.

Thực tế, mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh (MTKD) ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần DN, song cộng đồng DN cho rằng, cần tiếp tục những nỗ lực và đồng bộ để đạt được các mục tiêu chiến lược. Các biện pháp cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ghi nhận các ý kiến và đề xuất của các DN tại Diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương để xử lý hiệu quả các kiến nghị, trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách, cải thiện MTKD, đầu tư. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập còn để tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN cùng các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cũng thẳng thắn cam kết, Bộ Tài chính luôn đồng hành với DN, tiếp tục hoàn thiện thể chế và cải cách mạnh mẽ TTHC về thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho DN nhằm thu hút đầu tư, phát triển hơn nữa, đóng góp vì một Việt Nam thịnh vượng.

Nhất quán chủ trương này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, đồng thời với phát triển nhanh phải song hành phát triển bền vững. Trong tiến trình đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của DN. Do đó, Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng DN. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, giúp tạo ra các kết nối “thông minh”, hiệu quả, qua đó giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN, nhà đầu tư và nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học - công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng DN hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện MTKD với mục tiêu cắt giảm khoảng 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.