Khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn

Tiến độ triển khai thực hiện cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong chín tháng năm 2020 khá chậm, dẫn đến số thu từ CPH, thoái vốn chín tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 823 tỷ đồng. Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính đánh giá, công tác CPH, thoái vốn có thể không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã đề ra. 

Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương là một doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa.
Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương là một doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa.

Theo Báo cáo từ Cục Tài chính DN, trong chín tháng năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH, trong đó có một DN thuộc kế hoạch CPH, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg  (QĐ 26) của Thủ tướng Chính phủ, là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã hoàn thành công bố giá trị DN của một tổng công ty (TCT) là Công ty mẹ - TCT Phát điện 2 (EVENGENCO2). Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2020, có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 178 DN đã CPH chỉ có 37/128 DN CPH thuộc danh mục CPH, theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và QĐ 26, ước đạt 28% kế hoạch. Số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch ba tháng còn lại của năm 2020 là 91 DN, trong đó triển khai xác định và công bố giá trị DN để CPH là 90 DN.

Về tình hình thoái vốn, trong tháng 9-2020, đã hoàn thành chuyển giao phần vốn nhà nước tại năm TCT với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 8.185,6 tỷ đồng về TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn, theo QĐ số 908/QĐ-TTg. Tính chung trong chín tháng năm 2020, đã thoái được 899 tỷ đồng, thu về 1.845 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9-2020, tổng số thoái vốn là 25.669 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 102 đơn vị, theo QĐ số 1232/QĐ-TTg, với giá trị 4.964 tỷ đồng, thu về 9.643 tỷ đồng. Thoái vốn nhà nước tại các DN ngoài danh mục, theo QĐ số 1232/QĐ-TTg, là 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng. Các tập đoàn, TCT nhà nước thực hiện thoái 16.919 tỷ đồng, thu về 52.881 tỷ đồng.

Cục Tài chính DN đánh giá, tình hình CPH, thoái vốn trong chín tháng năm 2020 là khá chậm, do đó việc hoàn thành kế hoạch, CPH, thoái vốn trong thời gian còn lại của năm 2020 được cho là khó khả thi. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch nộp tiền thu từ CPH, thoái vốn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN (quỹ) về ngân sách nhà nước (NSNN). Tình hình CPH, thoái vốn chậm dẫn đến số thu từ CPH, thoái vốn chín tháng năm 2020 chỉ đạt 823 tỷ đồng, trong khi đó, Quỹ còn có các nhiệm vụ chi cần thiết khác đã có chủ trương. 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, để đáp ứng đủ số tiền nộp vào Quỹ năm 2020, dự kiến nguồn thu chủ yếu sẽ từ việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco, các TCT CP của Bộ Xây dựng và các DN do SCIC thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trước tình hình này, Cục trưởng Tài chính DN Đặng Quyết Tiến cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất, kiến nghị một loạt các giải pháp trong những tháng còn lại của năm. Cụ thể, các DN nhà nước thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có ý kiến về phương án và giá đất, để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN thuộc danh mục CPH đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị DN xử lý tài chính, công bố giá trị DN trong năm 2020. Ngoài ra, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.

Bộ Tài chính cũng đề nghị, đối với các DN CPH, cần lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để bảo đảm quyền lợi của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn CPH, thoái vốn DN để bảo đảm cân đối NSNN. Đối với các trường hợp không bảo đảm thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Đồng thời, thực hiện bàn giao các DN thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập gây ách tắc nhằm đẩy nhanh CPH, thoái vốn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ, tình trạng chung vẫn tồn tại là các bộ, ngành, địa phương còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị DN, phần vốn để CPH, thoái vốn tại các quy định thuộc các nghị định. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các DN thực hiện chậm CPH, chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán…

“Nếu không thực hiện thì xác định rõ đây là trách nhiệm của lãnh đạo đương nhiệm, chứ không phải tiền nhiệm”, Phó Thủ tướng thẳng thắn nêu.