Hướng tới xuất khẩu thủy sản bền vững

Trong nửa đầu năm 2019, hoạt động xuất khẩu thủy sản (XKTS) đã phải đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, XKTS sẽ phục hồi trong nửa cuối năm với mức tăng trưởng khoảng 5%. Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực có thể giúp doanh nghiệp (DN) XKTS gia tăng doanh thu.

Xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm. Ảnh: CTV
Xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm. Ảnh: CTV

Khó khăn bủa vây ngành thủy sản

Cục Xuất nhập khẩu (XNK - Bộ Công thương) dự báo, XKTS trong quý III-2019 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới khiến giá thủy sản ở mức thấp, các nước NK ngày càng chú trọng chất lượng sản phẩm và đưa ra các rào cản kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Ước tính XKTS tháng 7 đạt 170.000 tấn, trị giá 740 triệu USD, giảm 1% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so cùng kỳ năm 2018. Tính chung bảy tháng đầu năm 2019, XKTS giảm 1,9% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so cùng kỳ, ước đạt 1,083 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD. Như vậy, những tháng còn lại, ngành thủy sản phải đạt kim ngạch XK gần sáu tỷ USD mới hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2019 là thu về 10 tỷ USD. Tuy nhiên, thực hiện điều này không dễ trong bối cảnh XKTS đang đối mặt nhiều khó khăn từ hầu hết thị trường.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, XKTS đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của rào cản thương mại từ các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU và do giá TS, đặc biệt là tôm giảm mạnh. Hay như đối với thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Chế biến và XKTS Việt Nam (VASEP) cho rằng, trong trường hợp khả quan nhất, XK tăng vào quý cuối năm, có thể kim ngạch XK sang Trung Quốc giữ được mức tương đương năm 2018 là 1,2 tỷ USD. Hiện nay, có hơn 150 DN Việt Nam tham gia XKTS sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 DN XK cá tra, basa; gần 50 DN XK tôm và một số DN hải sản. Một số lượng đáng kể DN XK sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ làm giảm doanh số TS XK nói chung và sẽ tác động đến các thị trường khác trong khu vực vì chỉ cần nhu cầu giảm tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông - Nam Á.

Điều này cho thấy, để đạt được mục tiêu XK 10 tỷ USD trong năm 2019, ngành TS cần phải cố gắng rất lớn. Chưa kể, trong năm nay, ngành này phải xóa được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Theo kế hoạch, tháng 10 năm nay, EC sẽ đến Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị phát triển thủy sản bền vững, nếu không đáp ứng được, nhiều khả năng “thẻ vàng” sẽ nâng lên “thẻ đỏ”. Nếu điều này xảy ra, những kỳ vọng về cơ hội lớn từ EVFTA đối với ngành này sẽ tan biến. Việc tham gia CPTPP và ký kết EVFTA chưa đem lại nhiều cơ hội cho ngành TS như kỳ vọng, bởi thuế XK sang các thị trường này có giảm nhưng hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam so các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành.

Theo Cục XNK, tại thị trường Hàn Quốc, tôm Việt Nam mã HS 030617 phải cạnh tranh về giá với tôm nhập khẩu (NK) từ Ecuador, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm Việt Nam có lợi thế hơn so tôm Ecuador và Trung Quốc nhờ FTA mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc. Hiện nay, thuế NK tôm vào Hàn Quốc từ Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Thái-lan đều ở mức 0%; trong khi thuế NK từ Ecuador ở mức 20%, thuế NK từ Trung Quốc ở mức 14,6%. Để khai thác tốt hơn nữa thị trường tôm Hàn Quốc, Cục XNK khuyến cáo, các DN nên chủ động tiếp cận thông tin về FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) để lựa chọn các ưu đãi phù hợp, đồng thời thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường NK.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, việc ký kết EVFTA là thông tin vui đối với các DN ngành TS. Tuy nhiên, ngay lập tức đẩy mạnh XKTS vào EU là không dễ vì thị trường này đòi hỏi các tiêu chuẩn rất khắt khe. Hiện tại, tỷ trọng XK của Minh Phú vào EU mới dừng ở con số 11% trong tổng sản lượng XK. Với mặt hàng tôm, khách hàng EU yêu cầu tỷ lệ mạ băng trên sản phẩm rất cao, khoảng 20 - 30%, vì thế sản phẩm của Việt Nam rất khó đáp ứng.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe thì cho biết, ngành TS đang phải đối mặt nhiều thách thức về nguồn nguyên liệu, sức cạnh tranh và rào cản thị trường. Việc duy trì nguyên liệu của các DN Việt Nam chưa thật sự tốt do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Hướng tới xuất khẩu thủy sản bền vững ảnh 1

Khâu chuẩn bị tôm xuất khẩu trên một dây chuyền chế biến tại Nhà máy chế biến thủy sản Kim Anh (Sóc Trăng). Ảnh: CTV

Đồng bộ từ nguyên liệu đến thị trường

Phân tích các nguyên nhân khiến XKTS gặp khó khăn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước hết là tăng trưởng của kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, ảnh hưởng đến cầu của các loại nông sản nói chung. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã gây nên những biến động ở hai thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến kim ngạch XK nông sản. Cùng với tình hình XK sang các thị trường ngày càng khó cạnh tranh, dẫn đến giá XK luôn luôn thấp. Đó là chưa kể trong bảy tháng đầu năm còn xuất hiện nguy cơ gian lận thương mại đối với sản phẩm nông sản XK. Chẳng hạn sản phẩm TS, cụ thể là tôm NK từ thị trường Nam Á vào Việt Nam rồi XK sang thị trường Mỹ. Bộ Công thương cho biết đã có đề án cụ thể phối hợp Bộ Tài chính để đánh giá các sản phẩm NK từ nước khác để phục vụ tiêu thụ nội địa hay XK.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả mặt hàng nông sản trên thế giới đều giảm giá ở mức ít nhất là 5 - 10%. Điều đó cho thấy tình thế hết sức khó khăn của TS Việt Nam, đặc biệt là XKTS trên thị trường quốc tế. Vì vậy, mức tăng trưởng XK 2% của nông sản so cùng kỳ năm ngoái là cố gắng lớn. Tuy nhiên, vẫn cần khai thác và khắc phục tốt các thị trường, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả không chỉ các tháng cuối năm mà cả các năm tới.

Về tổ chức sản xuất, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản thừa nhận, đối với ngành cá tra, tổ chức sản xuất lớn đã rõ nhưng một số ngành khác như tôm sản xuất nhỏ lẻ còn khá nhiều. Đó là một trong những hạn chế cần khắc phục để nâng cao giá trị của ngành. Vì vậy, để phát huy hết tiềm năng trong thời gian tới, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ trong kế hoạch tái cơ cấu đã được phê duyệt. Ngoài ra, trong từng thời điểm cụ thể, cần linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành để đạt hiệu quả sản xuất ở mức cao nhất. FTA sẽ đem tới nhiều cơ hội cho ngành XKTS, song chúng ta không nên quá lạc quan. Để tận dụng được là cả một quá trình chuẩn bị công phu bao gồm xây dựng chuỗi sản xuất cho các ngành hàng; liên kết giữa người sản xuất, người thu mua, người chế biến, người làm thị trường. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, tất cả cơ hội chỉ nằm trên giấy.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cần tập trung vào những việc trong tầm tay trong khi chờ đợi nhu cầu từ thị trường quốc tế phục hồi trở lại. Đơn cử như đẩy mạnh XK sang thị trường Trung Quốc. Trong bảy tháng đầu năm XK rau quả sang thị trường này tuy giảm nhẹ, nhưng cần quan tâm để có ngay giải pháp, bởi vấn đề trên đã được cảnh báo từ rất lâu. Ngoài nguyên nhân do nhu cầu thị trường Trung Quốc yếu đi, thì chính sách thương mại đã giảm từ tiểu ngạch chuyển sang chính ngạch khiến XK vào thị trường này ngày càng khó. Trước đây, trao đổi thương mại cư dân, không bị kiểm soát quá ngặt nghèo, nhưng nay chuyển sang chính ngạch thì phải tuân theo quy tắc thương mại. Bên cạnh đó, Việt Nam đang ký kết nhiều FTA và chuẩn bị đi vào thực thi, hàng rào thuế quan giảm mạnh. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp XKTS có thể phục hồi những tháng cuối năm. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý thêm, dù Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát đi cảnh báo này từ giữa năm 2018, nhưng nhiều địa phương và DN không nắm bắt để thực hiện kịp thời các biện pháp như đăng ký vùng trồng, xuất xứ, đăng ký nhà XK/NK… Thời gian tới cần cải thiện về năng lực sản xuất, chất lượng để khơi thông XK cho các mặt hàng này. Cùng với đó là đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại để khôi phục và phát triển thị phần, bảo đảm tiêu thụ các sản phẩm TS hướng tới XK bền vững.