Hỗ trợ thiết thực từ chính sách thuế

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ (N&SN) sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN vừa có thể làm giảm thu khoảng 22.440 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xem xét, ban hành Nghị quyết (NQ) của Quốc hội (QH) và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn là cần thiết.

Hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: LAM ANH
Hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: LAM ANH

Việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết

Trong khuôn khổ Chương trình phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, chiều 1-6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình UBTVQH Dự thảo NQ về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN N&SN. Cụ thể, Bộ Tài chính chính thức kiến nghị QH giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá ba tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân năm 2020 không quá 10 người (DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm 2020 không quá 100 người (DN nhỏ).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến đầu năm 2020, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động. Nếu tính cả số DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động, ngừng hoạt động, giải thể trong năm tháng đầu năm nay thì hiện cả nước có 762.400 DN đang hoạt động, trong đó DN có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, DN quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và DN quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, nếu được QH thông qua sẽ có hơn 709.000 DN được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020.

Lý do trình QH việc giảm thuế cho DN N&SN, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) thế giới và trong nước. Thực tế, trong nước thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN đình trệ, nhất là DN N&SN đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động, tác động không nhỏ đến nền kinh tế và việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020. Với hơn 93% số DN đang hoạt động có quy mô N&SN và thực tế, DN càng có quy mô nhỏ càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, việc xem xét, ban hành NQ của QH để quy định giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN N&SN và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn là cần thiết.

Lý do nữa để Bộ Tài chính quyết định kiến nghị giảm thuế cho DN N&SN là kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối tượng DN này luôn được chú trọng trong các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển nhóm DN này, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp cho đối tượng DN được coi là dễ bị tổn thương mỗi khi có biến cố xảy ra, theo Bộ Tài chính là bảo đảm các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng để đạt được mục tiêu về hỗ trợ, phát triển DN theo chủ trương của Nhà nước, đồng thời phù hợp tình hình, điều kiện thực tế của NSNN; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật liên quan như Luật Thuế TNDN, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (NVV)…

Xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN N&SN sẽ làm giảm thu NSNN là 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN vừa có thể làm giảm thu khoảng 22.440 tỷ đồng.

Chiều 1-6, trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTCNS của QH đã nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế TNDN nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các DN N&SN trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Phần lớn số ý kiến trong UBTCNS nhất trí tờ trình của Chính phủ về giảm số thuế phải nộp (30%) và chỉ áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu, kết hợp tiêu chí về lao động để thực hiện chính sách giảm thuế TNDN cho các đối tượng này, theo đó về cơ bản đã bao quát hết các đối tượng là DN N&SN. Tuy nhiên, để bảo đảm tránh mâu thuẫn với pháp luật về hỗ trợ DN NVV, bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề nghị thay đổi tên NQ theo hướng chỉ quy định về giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020 cho một số DN nhằm tránh trường hợp các DN đáp ứng đủ các tiêu chí là DN N&SN theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng lại không đáp ứng các tiêu chí về doanh thu và lao động như quy định tại Dự thảo NQ.

Ngoài ra, để bảo đảm cân đối NSNN năm 2020, UBTCNS đề nghị Chính phủ làm rõ các phương án bù đắp nguồn hụt thu do thực hiện chính sách giảm thuế này, gắn với các chính sách đã ban hành làm giảm thu NSNN trong thời gian qua hoặc cần thiết phải trình QH điều chỉnh dự toán NSNN để bảo đảm cân đối NSNN trong năm 2020.

Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH nhất trí với các đề nghị của Chính phủ. Các ý kiến cũng đồng tình với ý kiến của UBTCNS về việc sửa đổi tên NQ, vì khái niệm DN N&SN theo quy định pháp luật hiện hành khác với quy định tại Dự thảo NQ. UBTVQH đề nghị Chính phủ hoàn thiện lại tờ trình theo hướng tiếp thu các ý kiến để trình QH xem xét thông qua ngay tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII này theo trình tự một kỳ họp.