Hành trình số hóa nền kinh tế

Kỳ 5: Vươn tới “Make in Viet Nam”

Các sản phẩm Việt dần xác lập được vị trí trên thị trường công nghệ số. Ảnh: NAM HẢI
Các sản phẩm Việt dần xác lập được vị trí trên thị trường công nghệ số. Ảnh: NAM HẢI

“Make in Viet Nam” là phải tìm ra cách để phát triển sản phẩm tốt với mức giá cạnh tranh. Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới. Đó chính là khát vọng làm chủ công nghệ, chủ động để sáng tạo ra các giải pháp mới, thiết kế sản phẩm mới chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam. Và đó cũng là yêu cầu bắt buộc để Việt Nam vững bước trên con đường vươn tới giấc mơ xa. 

“Cánh cửa” cơ hội sẽ không mở mãi

Là người Việt hiếm hoi chọn Silicon Valley để khởi nghiệp và gặt hái thành công với “Nền tảng chia sẻ kiến thức dưới dạng dịch vụ”, ông Trần Việt Hùng, Nhà Sáng lập Got It, luôn ấp ủ khát vọng “Make in Vietnam” với nội hàm sáng tạo, thiết kế, làm ra tại Việt Nam.

Ông Trần Việt Hùng chia sẻ, điều quan trọng là chúng ta phải làm chủ các sản phẩm công nghệ, tận dụng được lợi thế, cơ hội để vươn lên. Muốn vậy, Việt Nam phải hình thành nguồn nhân lực giỏi để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao với tầm nhìn xuyên biên giới. Ở Việt Nam đã có khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít DN, thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn (Sandbox) là rất tốt và cần thiết.

Về tầm nhìn của các DN công nghệ và các giải pháp “Make in Vietnam”, từ kinh nghiệm tuyển dụng của Got It, ông Trần Việt Hùng cho rằng, điều quan trọng là các DN công nghệ phải có được những đội ngũ quản lý, phát triển sản phẩm có tầm nhìn và nhân lực triển khai và phát triển thị trường giỏi. Khi phát triển ở trong nước, các DN có thể tận dụng các lợi thế sẵn có nhưng khi đã ra thị trường toàn cầu là phải cạnh tranh khốc liệt và sòng phẳng. “Cánh cửa” cơ hội đang mở ra nhưng nó sẽ không ở đó mãi để chờ chúng ta. Nếu các DN không theo kịp thì sẽ mất cơ hội, chúng ta khó có những DN phát triển mạnh ở quy mô toàn cầu. Câu chuyện của Google, Facebook hay AirBnb... là những minh chứng. Với các sản phẩm công nghệ, các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao như: Uber, Grab, AirBnb... trước đây chưa bao giờ tồn tại trên thị trường nên chưa có các cơ chế chính sách để hoạt động, phát huy tối đa các tiềm năng.

Thực tế minh chứng, KTS là xu thế phát triển tất yếu. CĐS đang là một đòi hỏi cấp bách, sống còn đối với các quốc gia hiện nay để tồn tại, phát triển, tăng sức cạnh tranh và bứt phá, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. 

Theo TS Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển KTS ở mức khá trong khu vực ASEAN với cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin khá tốt. Tuy nhiên, để nắm bắt tốt, tận dụng phát triển những lợi thế đó, Việt Nam cần phải đặt ra các mục tiêu rất cụ thể cho việc CĐS quốc gia, đặc biệt đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, để tạo nền móng vững chắc trong lĩnh vực này. 

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ban hành “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với ba trụ cột chính gồm: xây dựng Chính phủ số, phát triển KTS và xã hội số, với các định hướng phát triển, thực hiện rõ ràng. Đối với KTS phải đạt mục tiêu chiếm 20% trong tổng số GDP năm 2025, năng suất lao động tăng 7%, các ngành, lĩnh vực tối thiểu 10%, đứng tốp 50 quốc gia đạt chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, an toàn thông tin mạng; xã hội số đạt mục tiêu mỗi người dân có điện thoại thông minh, cáp quang đến 100% xã, phường, tối thiểu 50% người dân có tài khoản thanh toán ngân hàng, internet... 

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Kim Anh, trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), dữ liệu có thể trở thành tài nguyên mới cho phát triển kinh tế toàn cầu, thậm chí còn được ví như dầu mỏ mới. Với xu hướng này, ưu thế sẽ thuộc về người làm chủ các nguồn dữ liệu thông qua việc quản lý, sử dụng chúng một cách thông minh trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới. NHNN luôn coi nguồn nhân lực NH có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong CĐS NH, phát triển NH số tại Việt Nam và theo đó sẽ chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành NH, giúp người lao động ngành NH được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0.

Đổi mới sáng tạo, vươn ra thế giới bằng số hóa

Theo bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Giám đốc AVSE Global - Vietnam, Nghị quyết số 52-NQ/TW (NQ 52) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đặt ra mục tiêu rất cao về sự phát triển của KTS Việt Nam: chiếm 25% GDP vào năm 2025 và hơn 30% GDP vào năm 2030. Nhằm bắt kịp với xu hướng đổi mới sáng tạo, đạt được các mục tiêu tham vọng về phát triển KTS và tăng cường năng lực cạnh tranh số cho Việt Nam, cần một hệ sinh thái toàn diện, cộng tác và gắn kết để nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo. 

Dẫn chứng bằng các trường hợp thành công như Singapore có thể xếp đầu về số lượng phòng thí nghiệm và trung tâm đổi mới sáng tạo tính trên đầu người là bởi vì họ thành công trong chiến lược thu hút nhân tài, khởi động từ những năm 70 thế kỷ trước để lôi kéo nhân tài từ nước ngoài cũng như những người Singapore đã thành tài ở nước ngoài hồi hương.

Hay Chính phủ Pháp với chương trình French Tech đã quảng bá Paris như một trung tâm khởi nghiệp châu Âu, là nơi để những người Pháp tài năng trở về, giao thoa và xây dựng những nền tảng công nghệ mới, những hoạt động kinh doanh mới. Bắt đầu thực hiện từ năm 2013 đến nay, nước Pháp đã có “kỳ lân” công nghệ thứ 10, trong mục tiêu 25 “kỳ lân” vào năm 2025.

GS, TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam đánh giá, ở Việt Nam, chương trình quốc gia khởi nghiệp đã tạo “cú huých” quan trọng đưa nước ta vào quỹ đạo nền KTS với mô hình tăng trưởng hiện tại. Chìa khóa cho tăng trưởng không còn ẩn số - đó chính là thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để tiến xa, Việt Nam phải trở thành một trung tâm của đổi mới sáng tạo toàn cầu, phải xây dựng hình ảnh về một Việt Nam - điểm đến đổi mới sáng tạo toàn cầu, thu hút đầu tư nhân lực chất lượng cao. Nắm bắt đúng xu thế của thế giới, phát triển KTS sẽ là con đường tạo ra những bứt phá quan trọng, qua đó Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 “trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao”.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, CĐS nên là sự lựa chọn của nhiều DN. Việt Nam đang có lợi thế về CĐS rất lớn. Việt Nam đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện, kiến tạo thể chế và để hướng tới việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình CĐS để phát triển KTS, xã hội số, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau. 

Tại buổi gặp mặt các DN bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) để đánh giá tình hình, đề xuất các chính sách hỗ trợ bổ sung DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 diễn ra chiều 2-3-2021, Phó Vụ trưởng Công nghệ thông tin Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng, CĐS là xu hướng tất yếu của DN. Dịch Covid-19 chính là cơ hội lớn cho DN ICT, khi hiện nay các đối tác nước ngoài đang rất quan tâm đến Việt Nam. Để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực này, thời gian qua, Bộ TT&TT ngoài đẩy mạnh chương trình CĐS quốc gia, “Make in Việt Nam” còn xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ICT đến năm 2025… hỗ trợ tối đa cho các DN. 

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, CĐS là con đường hiện thực hóa khát vọng hưng thịnh quốc gia bằng công nghệ, là khát vọng chinh phục thế giới bằng công nghệ. Nhưng sẽ là sứ mệnh mới, sứ mệnh CĐS quốc gia, sứ mệnh “Make in Vietnam”, sứ mệnh đưa Việt Nam thành quốc gia số, quốc gia thông minh, sứ mệnh đi ra toàn cầu đóng góp cho sự phát triển của nhân loại, sứ mệnh tạo lên những tên tuổi lớn ảnh hưởng toàn cầu, sứ mệnh Việt Nam hùng cường, thịnh vượng... 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam coi các nền tảng số là cách để đẩy nhanh CĐS quốc gia, coi an ninh mạng là yếu tố chính để tạo ra niềm tin số, coi cải cách thể chế là yếu tố quyết định cho CĐS. Hạ tầng số với các sản phẩm và nền tảng số “Make in Vietnam” đã sẵn sàng cho KTS và xã hội số, sẵn sàng cho một Việt Nam số. CNS Việt không chỉ giải các bài toán Việt Nam mà còn góp phần giải các bài toán toàn cầu. Để tìm lời giải công nghệ cho những bài toán của DN, xã hội, thúc đẩy CĐS trong các lĩnh vực nền tảng, quan trọng, với các nền tảng giải pháp CNS “Make in Vietnam” của các DN Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế thuận lợi, chủ trương, chính sách, đường lối phát triển trong nước và nguồn nhân lực dồi dào, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn để không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam mà còn tạo vị thế vững chắc trên trường quốc tế.