Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

Dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với những diễn biến phức tạp. Nhưng đến thời điểm này, nhờ sự chủ động của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp (DN) cung ứng chưa xảy ra tình trạng khan hiếm, hay người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm như trước đây. Trên thị trường, nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định.

Các siêu thị cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không tăng giá. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các siêu thị cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không tăng giá. Ảnh: NGUYỆT ANH

Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4-2021 ước tính đạt 409.400 tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước và tăng mạnh 30,92% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 21,1%) do tháng 4-2020 cả nước thực hiện giãn cách xã hội để chống sự lây lan của dịch Covid-19, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa. Tính chung bốn tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695.600 tỷ đồng, tăng 10,02% so cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa bốn tháng ước tính đạt 1.352.700 tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức và tăng 9,8% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,3%).

Theo báo cáo của Bộ Công thương, mặc dù dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại trên diện rộng trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với những diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung, người dân vẫn giữ tâm lý bình tĩnh trong mua sắm do tin tưởng khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Hoạt động thương mại tại các địa phương có dịch bệnh vẫn đang diễn ra bình thường.

Về phía các địa phương, các DN cung ứng, bán lẻ và dịch vụ trên từng địa bàn đã chuẩn bị lượng hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân. Cụ thể, trên địa bàn TP Hà Nội, theo bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, các cơ quan chức năng thành phố phối hợp DN cung ứng, dịch vụ đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa đủ phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong ba tháng có dịch với tổng giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. Ngành công thương Hà Nội cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá. Người dân không cần thiết phải mua hàng hóa tích trữ trong thời gian dịch bệnh. Đặc biệt, từ ngày 5-5, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ngành công thương Thủ đô đã phải tăng cường công tác quản lý, tránh đầu cơ, thổi giá; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch. 

Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 (từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc): 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 (từ hơn 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc): 5.359,05 tỷ đồng. Để phòng, chống dịch Covid-19, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của chính người dân, thực hiện nghiêm quy định 5K và không đầu cơ tích trữ hàng hóa gây khan hiếm cục bộ trong thời điểm dịch bệnh.

Hiện, hệ thống siêu thị như: Big C, Hapro Mart, Win Mart… và các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm đầy đủ, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ. Tại hầu hết siêu thị trên địa bàn Hà Nội các kệ hàng đầy ắp hàng hóa, nhân viên siêu thị luôn sẵn sàng bổ sung thêm hàng hóa. 

Để sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân, theo đại diện Tập đoàn Central Retail - chủ quản lý chuỗi các siêu thị như: Big C, GO! và Tops Market, trước diễn biến dịch Covid-19, đơn vị đã tăng gấp đôi lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường. Đối với khẩu trang, lượng hàng hóa đơn vị tích trữ đủ trong bốn tháng tiêu thụ.

Tại Vĩnh Phúc, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã làm việc với các chợ, siêu thị trên địa bàn về công tác bảo đảm hàng hóa giúp phòng, chống dịch. Các đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác có cam kết cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trước diễn biến mới của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh tình hình thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động. Một số trung tâm thương mại lớn trong thành phố có lượng khách đến mua giảm hơn so bình thường.

Tại các tỉnh có dịch khác như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương… tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định. Đặc biệt, ở Bắc Giang, dù thông tin tiêu cực về diễn biến lây lan trong một khu công nghiệp lớn trên địa bàn huyện Việt Yên đã được phát đi, song ở các siêu thị, trung tâm thương mại không hề xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, cũng không có tình trạng người dân đi mua gom, mua dồn hàng hóa dự phòng. Các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… luôn luôn có đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi và chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ Sở Công thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa. Phối hợp các DN phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch. Đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước.