Gian nan chống hàng nhái, hàng giả

Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn đang tiếp diễn và ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Thậm chí, có thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng vừa ra mắt sản phẩm mới, thì ngay lập tức, mặt hàng đó đã bị làm giả, làm nhái. Đấu tranh với tình trạng này là công cuộc gian nan, vất vả và đây là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng vẫn ngang nhiên xuất hiện trên thị trường. Ảnh: LAM ANH
Hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng vẫn ngang nhiên xuất hiện trên thị trường. Ảnh: LAM ANH

Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở khắp nơi và có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa vùng sâu, vùng xa, đến các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả trung tâm thương mại sầm uất, siêu thị cao cấp. Hầu hết thương hiệu uy tín, được NTD ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, với nhiều hình thức tinh vi.

Minh chứng là mới đây, tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) đã triệt phá hai cơ sở sản xuất bít tất nhái thương hiệu quốc tế quy mô lớn ở xã La Phù, huyện Hoài Đức. Trong đó, có số lượng lớn bít tất mang thương hiệu Uniqlo; Đội QLTT số 1 thu giữ 24.101 chiếc quần áo, thành phẩm, bán thành phẩm, tem nhãn mang nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci… 35 kg vải và các máy may, máy vắt sổ đang dùng để may số hàng hóa trên tại một cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; hay Đội QLTT số 14 thu giữ 4.336 chiếc quần áo và 35.700 nhãn giấy có dấu hiệu xâm phạm quyền của Công ty TNHH May mặc Hoàng Nga tại cơ sở ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Trước đó, Đội QLTT số 14 đã bắt quả tang cơ sở kinh doanh thời trang ở phố Chùa Quỳnh, quận Hai Bà Trưng đang “phù phép” một số hàng giả thành hàng hóa có thương hiệu Dior, Gucci, Chanel...

Không chỉ quần áo, bít tất, túi xách... mà ngay cả khẩu trang y tế, băng vệ sinh cũng bị làm giả các thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Lực lượng QLTT Vĩnh Phúc mới đây phát hiện hơn 4.000 gói băng vệ sinh giả mạo nhãn hiệu của Công ty Giấy Ánh Dương tại cửa hàng kinh doanh ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường. QLTT cũng triệt phá thành công 151.000 khẩu trang giả nhãn hiệu 3M. Ngoài ra, mỹ phẩm, phụ tùng xe máy, vật liệu xây dựng… cũng là những mặt hàng bị làm giả khá phổ biến. Dù lực lượng QLTT cùng các lực lượng chức năng khác đã xóa sổ nhiều cơ sở, xưởng sản xuất hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Uniqlo, The North Face, LV, Chanel, Honda… nhưng tình trạng vi phạm hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng vẫn diễn biến phức tạp với hình thức ngày càng tinh vi.

Minh chứng là vụ sản xuất bít tất giả mạo thương hiệu Uniqlo ở xã La Phù, huyện Hoài Đức nêu trên. Cơ sở này hoạt động rất tinh vi, đóng cửa kín hoạt động trong nhà. Khi sản phẩm sản xuất xong, xe vào vận chuyển đi tiêu thụ ngay, chứ không công khai như các xưởng sản xuất bình thường khác. Thậm chí, chủ hàng còn bố trí xưởng sản xuất một nơi và thuê gia công, đóng gói, gắn mác giả ở một địa chỉ khác trong làng.

Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh cho biết, đấu tranh với nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT là công cuộc gian nan, vất vả và đây là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa và kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xâm phạm quyền SHTT đến hết năm 2020, kết hợp tuyên truyền cho các cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT; đề xuất Ban Chỉ đạo 389 các địa phương phân công, làm rõ trách nhiệm quản lý, giám sát công tác đấu tranh này tại các địa bàn nổi cộm.

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình hình buôn lậu, hàng gian, hàng giả, nhất là trên môi trường mạng, ngày càng phức tạp, tinh vi. Sau hai năm, lực lượng QLTT được tổ chức lại hệ thống ngành dọc xuyên suốt đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn và đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất trên địa bàn cả nước và trên môi trường thương mại điện tử. Cụ thể là đối với hàng lậu, hàng gian lận thương mại trên môi trường trực tiếp: Trong năm 2019 và năm 2020, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực và có những tiến bộ, đặc biệt là các lực lượng QLTT đã phối hợp lực lượng 389 của các địa phương và T.Ư tập trung đánh mạnh vào các hệ thống buôn lậu được tổ chức rất tinh vi tại nhiều địa phương. Điển hình, lực lượng QLTT đã triệt phá những trung tâm hàng lậu rất lớn ở Lào Cai với quy mô đến hơn 10.000 m², có tới hơn 200.000 chủng loại hàng hóa, đánh thẳng vào trung tâm sản xuất hàng lậu, hàng giả tại Ninh Hiệp (Bắc Ninh), Hải Dương rồi những trung tâm thương mại lớn chuyên buôn hàng lậu, hàng giả tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, trên thực tế, số lượng, quy mô cũng như tổ chức trong việc đánh hàng lậu, hàng giả đã được nâng cấp và có hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389, lực lượng QLTT đã có sự phối hợp hiệu quả với Ban Chỉ đạo 389 và đã triển khai tích cực các hoạt động trên từng địa bàn, ngay từ vùng biên giới đến các tỉnh, thành phố nằm sâu trong nội địa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, nhất là trong trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Lợi nhuận quá cao từ hoạt động buôn lậu và buôn bán hàng giả đã khiến các đối tượng và một số tổ chức tham gia rất sâu vào tội phạm này. Mặt khác, chúng ta cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.