Dư địa cải thiện môi trường kinh doanh

Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 69/190 quốc gia về chỉ số Môi trường kinh doanh (MTKD) - Doing Business 2020 (EoDB), tụt một bậc so năm 2018. Điểm số MTKD quốc gia được WB tính toán dựa khá nhiều vào tiêu chí cắt giảm các thủ tục kinh doanh. Trên thực tế, dư địa để cải thiện MTKD ở nước ta cũng nằm ở chính khâu thực hiện các thủ tục.

Vẫn còn dư địa cải cách rất lớn trong việc nộp thuế VAT, mua và in hóa đơn thuế. Ảnh: LAM ANH
Vẫn còn dư địa cải cách rất lớn trong việc nộp thuế VAT, mua và in hóa đơn thuế. Ảnh: LAM ANH

Tại cuộc họp bàn giải pháp cải thiện chỉ số MTKD theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP (NQ 02) của Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm 2019, do Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng chủ trì diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, so mục tiêu đề ra tại NQ 02 trong năm 2019 là tăng 5 - 7 bậc về chỉ số MTKD thì Việt Nam không thực hiện được. Trong báo cáo EoDB năm 2020, Việt Nam tăng hạng ở ba chỉ số: tiếp cận tín dụng, nộp thuế và phá sản, nhưng lại tụt hạng ở sáu chỉ số còn lại và giữ nguyên hạng ở một chỉ số (tiếp cận điện năng). Về số điểm tuyệt đối, các chỉ số của Việt Nam không thay đổi hoặc chỉ tăng điểm nhẹ. Thí dụ như chỉ số Khởi sự kinh doanh, mặc dù Việt Nam có tăng điểm, nhưng xếp hạng vẫn giảm vì các quốc gia khác tăng điểm nhiều hơn. Riêng đối với chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư, xếp hạng của Việt Nam giảm do WB thay đổi phương pháp tính điểm và có cải cách ở nhiều quốc gia khác.

Phân tích về chỉ số Khởi sự kinh doanh (A1), ông Phan Đức Hiếu đánh giá, điểm quan trọng là các nước đều giảm chỉ số này. Hiện nay, Việt Nam xếp hạng 115/190 quốc gia, cao hơn Malaysia (126/190) và Indonesia (140/190). Đáng nói, việc nộp thuế VAT trong nhiều năm nay vẫn duy trì ở mức 10 ngày. Tại sao đến nay việc mua và in hóa đơn thuế vẫn kéo dài 10 ngày. Riêng thủ tục này, còn dư địa cải cách rất lớn và thời gian tới cần cải cách mạnh mẽ vấn đề này. Tuy nhiên, việc loại bỏ các điều kiện, giấy phép kinh doanh vẫn do các bộ chủ quản làm, thấy không hợp lý thì bỏ. Sau này khi có Tổ công tác của Thủ tướng thì Tổ công tác rà soát các điều kiện, sau đó lại báo về bộ xem bộ có thấy hợp lý không mới bỏ. Chính vì việc này nên càng khó bỏ điều kiện kinh doanh, không bộ nào muốn bỏ quyền lợi và lợi ích của mình cả.

Trước đó, cũng bàn về việc tiếp tục cải thiện MTKD ở Việt Nam, tại Hội thảo 20 năm “Luật Doanh nghiệp (DN): Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách” do CIEM tổ chức ngày 18-11, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, sau nhiều lần sửa đổi Luật DN đã có những cải cách theo hướng tốt hơn, như: quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện; bỏ ghi ngành nghề kinh doanh; bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu… Bên cạnh đó, về chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao. Việc giảm chi phí tuân thủ chủ yếu thực hiện theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp để giảm một cách có hệ thống. Việc tăng an toàn và giảm rủi ro trong kinh doanh so trước đây cũng có cải thiện, nhưng ghi nhận thực tế, MTKD đầu tư chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao, phức tạp. Các DN thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ lợi ích của mình.

Theo Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) Bùi Anh Tuấn, hiện nay, việc cắt thủ tục có tác động rất lớn tới điểm số MTKD của Việt Nam. Để cải cách MTKD, cần tập trung xử lý một số vấn đề lớn. Thứ nhất, thông báo mẫu dấu. Việc này đang đề xuất cắt bỏ trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi). Tuy nhiên, kể cả thủ tục thông báo mẫu dấu được chấp thuận cắt bỏ và nếu Luật DN (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực ngày 1-1-2021, thì cũng không kịp cho kỳ đánh giá sắp tới của WB. Thứ hai, một vấn đề có thể tác động lớn tới khâu thủ tục và tính phí thành lập DN là bỏ phí môn bài. Thật ra, đây là vấn đề nằm ở chính chúng ta, bởi theo quy định của Nghị định 139/2016/NĐ-CP (NĐ 139) về phí môn bài thì DN thành lập mới phải nộp phí môn bài trong vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập. Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa NĐ 139 theo hướng điều chỉnh thời hạn nộp phí môn bài sang kỳ nộp thuế như bình thường. Được biết, Bộ Tài chính đang có hướng miễn phí môn bài cho DN trong năm đầu tiên thành lập. Đối với chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH), ghi nhận lớn nhất là thuế thu nhập DN với số lần nộp thuế giảm từ năm lần năm 2019 còn một lần năm 2020, giúp tổng số lần nộp thuế giảm từ 10 còn sáu lần. Trong khi đó, số giờ nộp thuế giảm từ 498 giờ còn 384 giờ.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nghiêm túc tinh thần NQ 02 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính luôn hướng tới việc cải thiện MTKD, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, thủ tục chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý của mình. Riêng về quản lý thuế, Bộ Tài chính đã xây dựng các dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết thực thi Luật Quản lý thuế theo hướng cắt giảm nhiều thành phần hồ sơ bởi thời gian chuẩn bị hồ sơ chiếm lượng lớn tổng thời gian nộp thuế.

Thứ trưởng KH&ĐT Vũ Đại Thắng đánh giá, nếu tập trung triển khai thực hiện tốt các thủ tục, thì có thể cắt giảm thời gian thực hiện. Riêng các thủ tục nộp thuế và BHXH đã có cải thiện nhiều và dư địa để cải thiện MTKD năm tới và tăng điểm Chỉ số MTKD là phải tập trung thực hiện tốt các thủ tục, trong đó có thủ tục nộp thuế và BHXH để cắt thời gian thực hiện.