Động lực phục hồi kinh tế

Dịch Covid-19 đã gây ra những hệ lụy nặng nề đối với kinh tế thế giới. Mặc dù Việt Nam tương đối thành công trong việc khống chế dịch bệnh và vẫn duy trì tăng trưởng dương, nhưng nền kinh tế vẫn phải đối mặt những rủi ro tiềm ẩn, đòi hỏi Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải thay đổi với tốc độ nhanh, linh hoạt hơn trước. Có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới vượt qua được thách thức và nắm bắt cơ hội, tạo động lực phục hồi kinh tế.

Để vượt qua được thách thức và nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp du lịch cần phải thay đổi với tốc độ nhanh, linh hoạt hơn trước. Ảnh: LAM ANH
Để vượt qua được thách thức và nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp du lịch cần phải thay đổi với tốc độ nhanh, linh hoạt hơn trước. Ảnh: LAM ANH

Các báo cáo trong nước và quốc tế cập nhật gần đây đều có chung nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia tương đối thành công trong việc khống chế dịch bệnh và giảm thiểu hệ lụy đối với nền kinh tế. Bên cạnh những chỉ đạo sát sao và định hướng kịp thời của Chính phủ, kết quả này có một phần quan trọng là từ những cải cách mạnh mẽ và liên tục trong những năm trước đó, qua đó góp phần cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và sức chống chịu của nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động của nhiều ngành kinh tế quan trọng như du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Các ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của Việt Nam cũng là các ngành chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19; các ngành được cho là hưởng lợi nhiều từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới và hội nhập cũng lâm vào khó khăn, sụt giảm mạnh, nhất là hàng không và du lịch.

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã chỉ ra, nếu như tăng trưởng GDP thế giới giảm một điểm % thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm bốn điểm %. Đáng quan ngại hơn, Việt Nam vẫn đang chậm thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững và thường chỉ nhìn nhận việc tuân thủ các yêu cầu phát triển bền vững ở góc độ chi phí. Nền kinh tế vẫn phải đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn liên quan đến chính sách tài khóa, hiệu quả sử dụng đầu tư công (ĐTC), gia tăng nợ xấu hay an sinh xã hội…

Theo TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, nhờ những hành động kịp thời của Chính phủ thì đến thời điểm hiện tại, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2020, nền kinh tế phải đối mặt một số nguy cơ mà nếu như không được chú ý kiểm soát có thể dẫn đến những tác động tiêu cực cho sự phát triển. Chỉ số cảnh báo vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng đã có những tín hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều vấn đề cần lưu ý. Đó là khó khăn trong việc huy động nguồn vốn cho tăng trưởng; là hiệu quả đầu tư và khả năng hấp thụ vốn đầu tư nói chung và dòng vốn ĐTC nói riêng; là áp lực cạnh tranh trong thu hút FDI từ một số thị trường như Ấn Độ, Indonesia… Những vấn đề hiện hữu của nền kinh tế, của đất nước đòi hỏi phải lưu tâm nhiều hơn đến cải cách, đặc biệt là chủ động phát triển bền vững.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, tiếp tục đẩy mạnh cải cách và phát triển kinh tế số, đó là lựa chọn để tăng sức chống chịu, để phát triển nhanh và bền vững, đó chính là lối đi cho Việt Nam hôm nay.

GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động. Trong cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số dự kiến sẽ đóng góp từ 6,88% - 16,50% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế. Do vậy, việc chú trọng phát triển kinh tế số là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo Viện trưởng CIEM Trần Hồng Minh, cải cách nhằm thực hiện các cam kết hội nhập hay kiến nghị của DN vẫn có giá trị, song sẽ phát huy hiệu quả lâu dài hơn nếu gắn với tâm thế chủ động. Cải cách phải dựa trên cơ sở đồng thuận xã hội và động lực cho cả các cơ quan chính phủ và DN coi phát triển bền vững là việc của mình. Đó chính là động lực phục hồi kinh tế.

Bàn về cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề, ở Việt Nam cụm từ cơ hội và thách thức đã được nói rất nhiều. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng bất cứ một thay đổi nào không chỉ tạo ra cơ hội mà còn cả thách thức. Do đó cần tập trung vào thách thức nhiều hơn, bởi chỉ khi vượt qua được thách thức thì mới chớp được cơ hội. Thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt là vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Trong 30 năm qua, tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ dao động trung bình trong khoảng 6 - 7,5%, thậm chí trong những năm gần đây tăng trưởng GDP đang có xu hướng giảm. Nếu tăng trưởng GDP không tạo được bứt phá để đi lên mà cứ đà đi xuống như vậy, thì đây sẽ là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế. Chính phủ và DN cần phải tập trung và thay đổi với tốc độ nhanh, linh hoạt hơn trước thì chúng ta mới vượt qua được thách thức và nắm bắt cơ hội.

Cùng quan điểm, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, năm 2021 kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, khi làm dự báo đều dựa trên một số giả thiết nhất định như các chính sách mà Việt Nam đưa ra cũng phải phù hợp mới có thể đạt được mức tăng trưởng tích cực trên. Thành quả phát triển kinh tế năm 2020 có được là nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và chính sách hỗ trợ đi kèm. Về phần DN, cần phải thay đổi mô hình kinh doanh, đẩy nhanh ứng dụng về công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Nếu điều này tiếp tục được phát triển trong năm 2021 thì kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khởi sắc.