Đón cơ hội từ EVFTA

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, muốn tận dụng hiệu quả cơ hội từ EVFTA, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn cần nỗ lực nâng cao chất lượng hàng hóa theo các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU).

EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam bước vào thị trường EU. Ảnh: SONG ANH
EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam bước vào thị trường EU. Ảnh: SONG ANH

Là FTA thế hệ mới giữa Việt Nam với 28 nước thành viên EVFTA được ký kết ngày 30-6-2019, EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Hiện, Bộ Công thương đang hoàn thiện tờ trình, dự kiến Quốc hội (QH) phê chuẩn EVFTA trong năm 2020. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện các “đối thủ” trong khu vực như: Trung Quốc, Thái-lan, Myanmar, Malaysia… chưa có FTA với Liên minh châu Âu (EU), nhưng điều đó không phải là mãi mãi vì họ cũng sẽ tiếp cận FTA với thị trường lớn này. Do vậy, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nhanh chóng tận dụng và duy trì lợi thế càng sớm, càng tốt.

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH cho biết, ký được Hiệp định EVFTA là một chiến thắng, khẳng định vị thế của Việt Nam, vị thế bình đẳng với các đối tác châu Âu. Cơ hội mang lại từ FTA này là rất lớn, vì chúng ta sẽ làm ăn với thị trường gồm 28 quốc gia và 500 triệu dân, tổng GNP (tổng sản phẩm quốc gia) là 18.000 tỷ USD. DN Việt có cơ hội tiếp cận nền tri thức tiên tiến, nền khoa học - công nghệ hiện đại, cơ hội để nâng cấp, đổi mới và hoàn thiện mình.

Theo EVFTA, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu (XK) sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan với thời gian để xóa thuế nhập khẩu (NK) còn lại là bảy năm; 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ. Đối với hàng XK của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch NK). Tiếp đó, sau bảy năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch XK từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế NK. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch NK). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế NK dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi đó, gần 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế NK sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường XK lớn nhất của Việt Nam thời gian qua.

Không chỉ có XK mà ở chiều ngược lại, DN Việt Nam cũng có cơ hội lớn trong NK để tiếp cận, mua bán nguồn hàng hóa có chất lượng tốt với mức giá phù hợp từ EU như: các sản phẩm về máy cắt, máy chế tạo dùng trong chế biến và sản xuất công nghiệp… Lợi ích này không chỉ giúp các thương nhân Việt Nam được nhập hàng từ nguồn gốc bảo đảm mà còn làm tăng mẫu mã, chất lượng sản phẩm của DN. Bên cạnh đó, với việc thực thi từ các cam kết kèm theo, các vấn đề về cải cách thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh cũng có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt về các nguyên tắc trong phát triển thương mại được đẩy lên một tầm cao mới. Qua đó cho thấy Việt Nam sẽ là nước chiếm ưu thế hơn về sức mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Đứng ở góc độ cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất lớn, EVFTA có những quy định rất chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, nguyên tắc về tự do và công bằng thương mại, hai bên còn có tầm nhìn chung về phát triển bền vững. Trong khi đó, Việt Nam đang hướng tới một thế hệ DN có chất lượng hơn, có công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn. Do đó, EVFTA là cơ hội để các DN Việt bước vào thị trường EU. Tuy nhiên, việc ký kết EVFTA mới chỉ là bước khởi đầu, các DN cần phải nỗ lực để tận dụng hiệu quả các lợi ích của Hiệp định, như các DN Việt lớn lên phải nâng cấp trình độ quản trị DN, nâng cao việc đầu tư máy móc thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, để hàng hóa Việt vào thị trường EU cũng có nhiều thách thức như: Quy tắc xuất xứ hàng hóa; rào cản kỹ thuật; an toàn vệ sinh dịch tễ và các chi phí tuân thủ về lao động và môi trường… Thị trường đã thông nhưng cần thoáng về thể chế để nâng cấp DN, vì năng lực quản trị của DN Việt hiện rất yếu. Để đáp ứng được vấn đề này cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.

Theo Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu, ngay cả khi không có EVFTA thì DN Việt vẫn có thể sản xuất sản phẩm tốt, cần tiếp cận từ góc độ như vậy để các DN Việt cùng trưởng thành, lớn mạnh. Kể cả FTA này chưa được các bên phê chuẩn thì vẫn không làm ảnh hưởng các ngành XK của Việt Nam. Chúng ta cứ nói về cơ hội nhiều quá nhưng còn thiếu thông tin đưa đến DN để nắm bắt cơ hội.

Cùng quan điểm này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, DN phải chuẩn bị ngay để tận dụng cơ hội từ hiệp định này. EVFTA có lộ trình cắt giảm thuế quan rất ngắn, rất nhiều mặt hàng chúng ta có cơ hội vào EU tốt với thuế suất bằng 0%. Hiện, các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Thái-lan, Myanmar, Malaysia… chưa có FTA với EU, nhưng điều đó không phải là mãi mãi vì họ cũng sẽ tiếp cận FTA với thị trường này. Do vậy, DN Việt Nam phải nhanh chóng tận dụng và duy trì lợi thế càng sớm càng tốt.