Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Định vị địa vị pháp lý của hộ kinh doanh

Những điều chỉnh trong Dự án (DA) Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang hướng tới nguyên tắc bảo đảm sự an toàn cho người kinh doanh (NKD). Theo cơ quan soạn thảo, việc đưa hộ kinh doanh (HKD) vào DA luật là cần thiết, bởi luật này không làm cản trở hay khó khăn thêm đối với HKD, mà khẳng định địa vị pháp lý và được bảo vệ bởi pháp luật, qua đó khơi thông nguồn lực khu vực này.

Theo dự thảo Luật DN sửa đổi hộ kinh doanh đã được thừa nhận vai trò, vị trí trong nền kinh tế. Ảnh: NG.ANH
Theo dự thảo Luật DN sửa đổi hộ kinh doanh đã được thừa nhận vai trò, vị trí trong nền kinh tế. Ảnh: NG.ANH

Tại buổi thảo luận về những điểm mới của DA Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) mới đây, trước tình huống một cá nhân thừa nhận đang sở hữu cả doanh nghiệp (DN) và HKD, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hành động nhằm mục đích trốn nghĩa vụ, trách nhiệm về thuế. Điều này cũng đồng nghĩa HKD này có thể đã vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Luật DN hiện hành và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN, HKD không được thuê quá 10 lao động, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một điểm, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện… Trong khi đó, một DN không thể chỉ ký hợp đồng với các đối tác cùng địa bàn hoạt động.

Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, thành viên Ban Soạn thảo Dự án (DA) Luật DN (sửa đổi) lại đặt ngược vấn đề, tại sao HKD không được quyền làm ăn lớn? “Chúng tôi đi khảo sát, đúng là có tình trạng HKD vi phạm quy định, thuê nhiều người làm, kinh doanh ở nhiều tỉnh, thậm chí cả nước. Nhưng, họ vẫn chọn rủi ro chứ không chọn thành lập DN. Phải chăng, ứng xử của pháp luật với HKD đang không phù hợp?”.

Theo ông Phan Đức Hiếu, những cải cách trong Luật DN phải được đồng hành và kết hợp cải cách, thay đổi các văn bản luật và cả hệ thống tòa án... Có như vậy mới tạo ra hệ thống thể chế thân thiện với thị trường, vì DN, thúc đẩy DN phát triển. Có thể thấy, HKD cũng là một hình thức kinh doanh (HTKD) như DN, được người dân lựa chọn, nhưng quản lý nhà nước lại khá lúng túng với hình thức này, luôn muốn đẩy các HKD thành DN. Luật DN năm 2014 có yêu cầu HKD sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải thành lập DN. Thật ra, đây là một quy định có tính ép buộc hành chính, mặc dù vẫn để dư địa cho người dân lựa chọn hoạt động theo hình thức HKD. Điều cần quan tâm là với cách quy định này, nguồn lực của HKD bị lãng phí nếu họ tuân thủ đúng quy định. Ngược lại, rủi ro kinh doanh của họ rất lớn. Đây là lý do chúng tôi sửa nội dung này trong Luật DN (sửa đổi) theo hướng thừa nhận HKD là một HTKD, nghĩa là thừa nhận vai trò, vị trí quan trọng của khu vực này với nền kinh tế, trả lại quyền kinh doanh cho các HKD, để họ lớn hơn nếu muốn.

Ngày 15-11, tại nghị trường Quốc hội (QH), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình QH Tờ trình về DA Luật DN (sửa đổi). Theo đó, DA Luật DN (sửa đổi) có mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị (QT) DN đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển DN, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh (MTKD) theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là nằm trong nhóm các nước ASEAN 4.

Quan điểm xây dựng luật là tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của những cải cách trong các Luật DN năm 2000, năm 2005 và năm 2014, hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc DN được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Đồng thời, bảo đảm thống nhất, phù hợp sự thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi kinh tế - xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng MTKD.

Luật DN (sửa đổi) lần này sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ hai điều; bổ sung tám điều và một chương (chương VII a, gồm 5 điều, về HKD). Và nội dung về HKD là “tiêu điểm” của dự thảo luật sửa đổi lần này. Nội dung và nguyên tắc cơ bản là tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của HKD là một HTKD, bên cạnh các loại hình DN hiện nay; bảo đảm sự đa dạng HTKD, trao thêm quyền cho nhà đầu tư (NĐT) lựa chọn HTKD phù hợp; không ép buộc hành chính HKD phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức HKD…

Về vấn đề này, nhiều ý kiến thảo luận tại tổ của các ĐBQH đã kiến nghị nên đưa quy định về HKD vào Nghị định, sau quá trình xem xét, điều chỉnh sẽ xây dựng thành luật riêng về HKD.

Tại phiên thảo luận của tổ 17 ngày 15-11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung quy định về HKD được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP, song tâm lý các NĐT chưa yên tâm đối với loại hình này do còn nhiều rủi ro và các HKD đang bị hạn chế nhiều quyền. Việc đưa HKD vào luật là cần thiết, luật này không làm cản trở hay khó khăn thêm đối với HKD, mà khẳng định địa vị pháp lý và được pháp luật bảo vệ, qua đó khơi thông nguồn lực khu vực này.

Cùng quan điểm này, theo PGS, TS Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), việc xác định HKD là một HTKD, bình đẳng với DN là cần thiết. Xác định rõ như vậy để khẳng định vị trí pháp lý, quyền của hình thức kinh doanh này. Nhưng với quy định này, Luật DN đang mang mầu sắc của luật kinh doanh, nghĩa là phủ các HTKD khác ngoài DN.