Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) trì trệ đã diễn ra liên tục trong các năm gần đây. Tuy nhiên, trong hơn nửa đầu năm 2019, vấn đề trở nên đáng báo động khi tốc độ giải ngân vốn có mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016 - 2019. Nhiều dự án (DA), công trình trọng điểm do thiếu vốn hoặc chưa được giải ngân vốn đã không thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, gây tác động không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, chủ động phối hợp các cấp, các ngành liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn. Ảnh: LAM ANH
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, chủ động phối hợp các cấp, các ngành liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn. Ảnh: LAM ANH

Theo Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu, trong bảy tháng qua, cả nước giải ngân kế hoạch vốn ĐTC ước đạt 134.494 tỷ đồng, đạt 31,32% so kế hoạch Quốc hội (QH) giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước cũng thấp, chỉ đạt 35% kế hoạch QH giao. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm. Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai và một phần do các DA, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai...

Theo Phó Vụ trưởng Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Thị Tường Thu, sở dĩ việc giao vốn phải chia thành nhiều đợt vì còn phụ thuộc nhiều vào quá trình thực thi các chính sách, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân bổ nguồn lực này. Đối với địa phương, quy định pháp luật về ĐTC trong giải ngân DA, trình tự thủ tục mất khá nhiều thời gian, do đó chưa thể đạt tốc độ giải ngân như mong đợi.

Mặt khác, theo Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nguyễn Quang Vinh, ở khâu cuối cùng là giải ngân, nhà thầu cũng như chủ đầu tư (CĐT) không có khối lượng thanh toán; và khi không có khối lượng thanh toán thì KBNN không thể giải ngân. Nếu không có những giải pháp đẩy mạnh ngay tiến độ giải ngân vốn ĐTC thì đến cuối năm sẽ là một thách thức lớn. Hiện nay, NS đang bội chi rất lớn, hơn 220.000 tỷ đồng phải đi vay một năm. Nếu tính cả phần vay mới để trả nợ gốc, những khoản đến hạn phải trả thì mỗi năm lên tới hơn 450.000 tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong 10 năm qua tổng số tiền trả gốc và lãi hằng năm của NSNN cao hơn con số đầu tư hằng năm. Thực tế này cho thấy điều hành NS đang tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững. Trong khi đó, điểm nghẽn trong ĐTC đã dẫn tới nghịch lý là tiền đã vay được nhưng không tiêu được, cho dù nhu cầu đầu tư của đất nước còn rất lớn, cơ sở hạ tầng còn hết sức manh mún, cắt khúc và đã trở thành những nút thắt, rào cản cho phát triển kinh tế. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tích cực chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư khẩn trương xử lý dứt điểm những DA còn nhiều vướng mắc; chủ động phối hợp các cấp, các ngành liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn.

Ngày 19-8, chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành và lãnh đạo hai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đốc thúc tình hình, tiến độ giải ngân vốn ĐTC, vốn đang thực hiện rất chậm trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình Bộ KH&ĐT do đã chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn ĐTC, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ: “Kiểm toán Nhà nước có kết luận không bố trí được 2.400 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng từ tháng 9-2018 mà tới nay Bộ KH&ĐT chưa trình, sửa được Quyết định số 1256 của Thủ tướng. Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ của Bộ phải chịu trách nhiệm về việc này”.

Ngoài ra, với việc giao vốn chậm cho các địa phương, bộ, ngành hay doanh nghiệp nhà nước thực hiện các DA khác, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ KH&ĐT và Vụ trưởng của các Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Kinh tế đối ngoại trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các DA. Tình hình cấp bách. Giải ngân vốn ĐTC đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi. Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao trong tháng 8 này. Trước ngày 30-9-2019 trình Thủ tướng Chính phủ việc hủy kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, CĐT DA “không chịu” giải ngân. Trước ngày 10-10-2019 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ DA chậm tiến độ sang DA đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỷ lệ giải ngân cao. Rà soát, tính toán kế hoạch ĐTC năm 2020 sát thực tế từng bộ, ngành địa phương. Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư DA; chủ động kiểm soát, thống kê số liệu giao vốn tại Kho bạc Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về đàm phán vốn vay nước ngoài và phối hợp giao vốn, điều chỉnh vốn vay của các bộ, ngành, địa phương. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn ĐTC. Ngày 15-9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.