Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

Đến nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNNTDN) đã chủ trì hoặc phối hợp các bộ, cơ quan xử lý 201/259 việc. Đáng chú ý, UBQLVNNTDN đã chỉ đạo, điều phối hoạt động của 19 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhất là về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động tăng, vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. Cụ thể, doanh thu đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, lợi nhuận tăng gần 100.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản nằm trong kế hoạch sắp xếp, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Ảnh: NAM ANH
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản nằm trong kế hoạch sắp xếp, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Ảnh: NAM ANH

Theo Chủ tịch UBQLVNNTDN Nguyễn Hoàng Anh, sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 19 TĐ, TCT, Ủy ban đã phải tiếp nhận, xử lý 259 việc các bộ đang xử lý dở dang. Về cơ bản, đây là những việc phức tạp, khó khăn, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều thời kỳ. Đặc biệt là những việc liên quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử, kỷ luật, thay thế cán bộ. Trong khi đó, nguồn lực ban đầu của Ủy ban có hạn nên cơ quan này đã tiến hành phân loại công việc theo mức độ cần thiết, cấp bách để ưu tiên xử lý. Đến nay, Ủy ban đã chủ trì hoặc phối hợp các bộ, cơ quan xử lý 201/259 việc. Đáng chú ý, UBQLVNNTDN đã chỉ đạo, điều phối hoạt động của 19 TĐ, TCT hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhất là về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động tăng, vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. Cụ thể, doanh thu đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng (tăng 6,4% so cùng kỳ), lợi nhuận tăng gần 100.000 tỷ đồng (tăng 17,6% so kế hoạch), nộp ngân sách đạt hơn 221.000 tỷ đồng (tăng 17,6% so cùng kỳ)...

Ủy ban cũng đã tiếp nhận và thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án (DA) ngành công thương đã nghiên cứu và có những đề xuất giải pháp quyết liệt hơn, sát thực tế hơn.

Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của UBQLVNNTDN, nhưng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, vẫn còn một số công việc xử lý chậm như công tác cán bộ, kiện toàn các chức danh lãnh đạo tại DN được bàn giao từ các bộ về Ủy ban cần kịp thời hơn nữa; việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động còn lúng túng…

Đề cập nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, cần tập trung đánh giá khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của các TĐ, TCT. Đặc biệt là ngành hàng không, dầu khí, đường sắt... Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp trực tuyến tháng 3 tới đây.

Cùng với đó, UBQLVNNTDN phải hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ CPH các DN quy mô lớn như: TĐ Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, TĐ Công nghiệp Hóa chất, TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản; TCT Lương thực miền Bắc, TCT Phát điện 1, TCT Phát điện 2… Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu phối hợp chặt chẽ UBND các tỉnh, thành phố xem xét, giải quyết các vướng mắc, khó khăn và phê duyệt phương án sắp xếp đất đai và sử dụng các cơ sở nhà đất đúng thời gian quy định, không để ảnh hưởng tiến độ cơ cấu lại, CPH của DN nhà nước. Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, thúc đẩy CPH nhưng phải bảo đảm không để trục lợi chính sách, lợi ích nhóm chi phối, không để thất thoát đất đai của Nhà nước vào tay tư nhân, phải tính đầy đủ giá trị khi cổ phần.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cơ cấu tổ chức bộ máy phải theo quy định của pháp luật, bảo đảm sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Ủy ban phải quản lý, kiểm soát hoạt động của các TĐ, TCT, không để xảy ra tham ô, tham nhũng nhưng phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phát huy sức mạnh của 19 TĐ, TCT này là “quả đấm” của Nhà nước, giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế. Điều động cán bộ của Ủy ban, các bộ, địa phương về làm cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt, kiểm soát viên tại các TĐ, TCT trực thuộc cần hết sức thận trọng, thấu đáo.

Dẫn chứng từ 12 DA yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương khiến nhiều người bị điều tra, truy tố, xét xử, Phó Thủ tướng cho rằng, việc đó không thể không làm, “khối u thì phải cắt bỏ”. Hiện, có tình trạng ngại việc, sợ trách nhiệm, sợ làm là dính đến quy định của pháp luật nên cầm chừng, thoái lui. Công chức nhà nước phải đề cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ai sợ trách nhiệm thì nên xin nghỉ để người khác làm, nếu trì trệ quá, không hoàn thành nhiệm vụ phải kiểm điểm, kỷ luật. Còn nếu phát huy hết phẩm chất, năng lực, đạo đức, tinh thần trách nhiệm và nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, đề xuất có căn cứ thì không ai phạt được.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ Tư pháp, Nội vụ tính đến cơ chế cho phép cán bộ, công chức thấy vấn đề trái phái luật được bảo lưu và được bảo vệ, giống như bảo vệ nhân chứng, người tố cáo; bảo vệ cán bộ, công chức có lòng dũng cảm dám phát hiện cái sai và bảo lưu ý kiến của mình, báo cáo Chính phủ trong tháng 4-2020. Không làm thì bộ máy trì trệ, đất nước làm sao phát triển được? Cần quán triệt tinh thần phát huy trách nhiệm người đứng đầu, khuyến khích công chức đổi mới sáng tạo, đóng góp tài năng để phát triển đất nước.