Cụ thể trách nhiệm cá nhân trong cổ phần hóa

Mặc dù tiến độ cổ phần hóa (CPH) thời gian qua chậm, song chất lượng đã được nâng lên, các phương án CPH, thoái vốn được tiến hành đều bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch. Ở một số doanh nghiệp (DN), việc chậm trễ thực hiện CPH vẫn là do tư tưởng né tránh, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật liên quan trách nhiệm cá nhân trong CPH vẫn chưa chặt chẽ, cụ thể, gây ra tâm lý ngại trách nhiệm sau này.

Tư tưởng sợ trách nhiệm, né tránh sẽ làm giảm tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp. Ảnh: L.ANH
Tư tưởng sợ trách nhiệm, né tránh sẽ làm giảm tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp. Ảnh: L.ANH

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7-2019, có sáu DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 680 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 615 tỷ đồng; có 9/62 DN thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thoái vốn với giá trị 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng; các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thoái vốn với tổng giá trị 1.540 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng.

Tại cuộc tọa đàm “CPH: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh”, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Nguyễn Hồng Long nêu rõ, mặc dù tiến độ CPH thời gian qua chậm song chất lượng đã được nâng lên, các phương án CPH, thoái vốn được tiến hành đều bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đất đai. Con số kết quả thu về cho ngân sách nhà nước sau thoái vốn đã chứng minh điều này khi giá trị thu về vượt hơn nhiều giá trị sổ sách. Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH, hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Theo Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phạm Đức Trung, Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP được ban hành đã sửa đổi căn bản, thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách, áp dụng phương pháp định giá tiên tiến theo thông lệ quốc tế để định giá tài sản nhà nước… khiến chất lượng CPH được nâng cao. Nhờ vậy, ba năm qua chúng ta đã CPH thành công được nhiều DN quy mô lớn, thương hiệu mạnh, lợi ích thu về từ thoái vốn tăng cao. Tuy nhiên, tiến độ CPH, thoái vốn vẫn chưa đạt yêu cầu dù đã triển khai nhiều giải pháp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Từ phía các nhà đầu tư (NĐT), Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, có năm nhóm nguyên nhân lớn khiến CPH chưa hấp dẫn với DN là: việc khống chế tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài khi tham gia DN; định giá cổ phần chưa hợp lý; nhiều DNNN không hấp dẫn; thiếu công khai, minh bạch với NĐT chiến lược; phương thức bán cổ phần cho NĐT chiến lược còn khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Long nhận định, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay với DN khi CPH là phương án sắp xếp, sử dụng đất bởi hầu hết đây là quá trình có lịch sử hàng chục năm qua, tồn tại rất nhiều vấn đề mà DN phải xử lý. Theo phản ánh của một số DN, yêu cầu phương án sử dụng đất phải phê duyệt trước CPH cũng rất khó khăn khi nhiều địa phương chưa có quy hoạch đất đai.

Chia sẻ thêm về vướng mắc này, Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, đây không phải vấn đề mới nhưng do thời gian qua đã xảy ra nhiều vi phạm lớn nên việc rà soát, chấp hành chưa quyết liệt. Hiện nay, một bất cập lớn là sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các địa phương chưa nhuần nhuyễn, lại chưa có quy định thời gian phải xử lý là bao lâu trong khi hồ sơ liên quan rất nhiều cơ quan, sở, ban, ngành… Tới đây khi sửa Nghị định 167, chúng tôi sẽ phân cấp mạnh hơn, gắn với trách nhiệm của địa phương và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cần có quy trình để chủ sở hữu biết họ phải chuẩn bị bao lâu để ước lượng được thời gian, cách làm. Làm được điều này sẽ đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện. Hiện nay, nhiều DN đang triển khai nhưng do nhiều thủ tục, quy trình chưa thống nhất, DN chưa quyết liệt nên tiến độ chậm.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, một số DN chậm thực hiện CPH là do có tư tưởng né tránh, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật liên quan trách nhiệm cá nhân trong CPH còn chưa chặt chẽ, cụ thể, tạo ra tâm lý ngại trách nhiệm sau này. Công tác cán bộ là rất quan trọng, cần có các quy định rõ ràng, cụ thể hơn để người thực hiện CPH yên tâm làm nhiệm vụ. Cần phải chú trọng trách nhiệm của người đứng đầu với giải pháp đầu tiên là thực hiện nghiêm chế tài xử lý với người đứng đầu. Thực tế, tại Chỉ thị 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ phải xem xét trách nhiệm cá nhân về chậm CPH và thất thoát tài sản nhà nước. Đến cuối giai đoạn, chúng ta sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm cá nhân, tập thể, xử lý thích đáng với hành vi này.

Theo ông Phạm Đức Trung, cần có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với việc thực hiện CPH chậm. Thời gian qua, đã có những quy định được ban hành rải rác tại nhiều văn bản, chẳng hạn như quy định về cách chức, thay thế, chuyển công việc… khi không hoàn thành nhiệm vụ, để DN thua lỗ… Tuy nhiên, chưa rõ với trường hợp không hoàn thành kế hoạch CPH thì áp dụng quy định xử lý nào. Mặc dù đã có chỉ đạo nhưng hình thức xử lý ra sao, ai có thẩm quyền xử lý thì chưa rõ. Do vậy cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thời gian tới.