Cơ hội và đánh giá đúng năng lực các nhà đầu tư

Việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế để tiến hành đấu thầu lại theo hướng sẽ giao cho các nhà đầu tư (NĐT) trong nước thực hiện dự án (DA) đường bộ cao tốc bắc - nam đang được các chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đã mạnh dạn giao cho NĐT trong nước thì cần xây dựng lại bộ tiêu chí chấm thầu để tạo cơ hội cũng như đánh giá được đúng năng lực của NĐT.

Dự án đường bộ cao tốc bắc - nam trở thành cơ hội cho nhiều nhà đầu tư trong nước. Ảnh: LAM ANH
Dự án đường bộ cao tốc bắc - nam trở thành cơ hội cho nhiều nhà đầu tư trong nước. Ảnh: LAM ANH

Sơ tuyển lại vào tháng 10-2019

Lý giải về quyết định hủy kết quả sơ tuyển NĐT DA đường bộ cao tốc bắc - nam nhánh phía đông, Bộ GTVT cho biết, tính đến cuối tháng 7 vừa qua, sau hai tháng kể từ thời điểm phát hành, các Ban Quản lý DA của Bộ GTVT đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển. Theo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có bốn DA không có NĐT vượt qua sơ tuyển, hai DA có duy nhất một NĐT vượt qua sơ tuyển, một DA có từ hai NĐT và một DA có ba NĐT vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng NĐT vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao. Do đó, Bộ GTVT hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ tuyển với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Theo Vụ trưởng Đối tác công - tư, Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, dự kiến DA đường bộ cao tốc bắc - nam nhánh phía đông sẽ tiến hành sơ tuyển lại từ tháng 10-2019 và thông báo kết quả vào đầu năm 2020. Phần lớn các tiêu chí lựa chọn NĐT trong nước vẫn sẽ không thay đổi mà làm theo Luật Đấu thầu. Riêng quy định “NĐT phải thực hiện DA trước đó có tổng mức đầu tư đạt 50% tổng mức đầu tư của các DA đang xét”, nếu không đạt NĐT có thể liên danh. Trong trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của NĐT sẽ là tổng năng lực của các thành viên.

Là một trong số các đơn vị đang trực tiếp làm công tác sơ tuyển NĐT, ông Cao Việt Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch, Ban quản lý DA 2 (Bộ GTVT) cho biết, các NĐT trong nước hoàn toàn đủ năng lực để quản lý thi công và quản lý khai thác DA đường cao tốc. Khó khăn lớn nhất có lẽ là vấn đề tài chính. Ở giai đoạn sơ tuyển, chúng tôi chỉ đánh giá sơ bộ năng lực và sự sẵn sàng cung cấp tín dụng của các ngân hàng. Đến khi phát hành hồ sơ mời thầu chính thức với những thông tin cụ thể hơn về DA như thiết kế kỹ thuật, dự toán, công tác giải phóng mặt bằng, lưu lượng xe dự báo… thì quyết định của NĐT và các ngân hàng (NH) cung cấp tín dụng sẽ rõ ràng hơn.

Bài toán thu hút đầu tư

DA đường bộ cao tốc bắc - nam nhánh phía đông giai đoạn 2017 - 2020 có chiều dài 654 km, với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. DA được chia thành 11 DA thành phần, trong đó có tám DA đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng đầu tư - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Được biết, trong hồ sơ mời sơ tuyển tám DA đường bộ cao tốc bắc - nam thực hiện theo hình thức PPP, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của NĐT, Bộ GTVT đang sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Cụ thể, năng lực về tài chính chiếm tỷ trọng 60%; năng lực về kinh nghiệm chiếm tỷ trọng 30%; phương pháp triển khai DA chiếm tỷ trọng 10%.

Để thu hút các NĐT trong nước, PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các NĐT công trình giao thông đường bộ Việt Nam (AVINA) cho rằng, nếu đã mạnh dạn giao cho các NĐT trong nước thì cần nghiên cứu xây dựng lại bộ tiêu chí chấm điểm sao cho thực tế, đánh giá đúng được năng lực của NĐT. Kinh nghiệm không đồng nghĩa với khả năng mà chiếm đến 30% thì nhiều NĐT trong nước sẽ không đạt. Trên thực tế, có rất nhiều NĐT của chúng ta chưa có kinh nghiệm nhưng đã xây được sân bay, đường cao tốc, hầm đường bộ… đạt chất lượng cao. Chưa có kinh nghiệm, NĐT có thể thuê thiết kế, tư vấn giám sát nước ngoài để thực hiện. Trong khi đó, năng lực tổ chức hay còn gọi là khoa học quản trị đóng vai trò rất quan trọng thì chỉ chiếm 10% trong thang điểm là chưa hợp lý. Riêng về vốn, đây sẽ là một trở ngại lớn với các NĐT trong nước, nên rất cần có sự can thiệp từ Nhà nước đến chính sách cho vay tín dụng của các NH.

Còn ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cơ hội trúng thầu cao hơn là một tin vui với nhiều doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên mối quan tâm lớn nhất hiện nay là các tiêu chí về vốn chủ sở hữu, kinh nghiệm, năng lực... sẽ được Bộ GTVT đưa ra như thế nào? Nếu vốn chủ sở hữu được yêu cầu quá cao thì cũng không thể có nhiều NĐT tham gia. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng hiện nay rất khó khăn do nhiều NH coi các DA BOT là rủi ro. Bên cạnh đó, thông thường các NH sẽ yêu cầu vốn nhà nước phải giải ngân thì mới giải ngân vốn tín dụng mà vốn góp của Nhà nước qua nhiều thủ tục nên có thể chậm giải ngân cũng là một rủi ro với NĐT.

Thời điểm này, nhiều ứng viên sáng giá đang được đưa lên bàn cân dự đoán sẽ tham gia vào DA đường bộ cao tốc bắc - nam nhánh phía đông như: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sun Group, Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Trung Sơn… và cả Tập đoàn Vingroup. Nhiều chuyên gia nhận định, việc dành “đất” ưu tiên cho các NĐT Việt Nam là quyết định sáng suốt, giúp bảo đảm chất lượng và thậm chí còn có thể giảm bớt được chi phí đầu tư.