Cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao phủ vùng lãnh thổ có dân số tới 2,2 tỷ dân, tương đương 30% dân số toàn cầu. Là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, song một số quốc gia tham gia RCEP lại có yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm như các đối tác của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới khác. Điều này phù hợp trình độ của phần lớn doanh nghiệp (DN) Việt Nam, mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng 
xuất khẩu (XK).

RCEP tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. Ảnh: NAM ANH
RCEP tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. Ảnh: NAM ANH

Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo “Thực hiện hiệu quả RCEP gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, RCEP là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mức sống cao nên nhu cầu tiêu dùng cũng rất lớn… Do đó, RCEP mở ra thêm cơ hội cho DN Việt Nam tăng cường XK và mở rộng thị trường, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như: gạo, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản…

Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM Nguyễn Anh Dương thì cho rằng, việc gia nhập RCEP sẽ giúp các DN giảm bớt khó khăn và thách thức về quy tắc xuất xứ (QTXX). Thực tế, nhiều chuỗi sản xuất hàng hóa của Việt Nam còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nhiều quốc gia thuộc nhóm RCEP như: Trung Quốc, Hàn Quốc… Đơn cử, trong chuỗi sản xuất ngành dệt may, 80% nguyên liệu phải nhập khẩu (NK) từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… việc gia nhập RCEP sẽ giúp giảm bớt các khó khăn và thách thức về QTXX, góp phần tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới và giúp DN tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trọng.

Ngay cả với NK, RCEP cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường XK hàng hóa đa dạng cả về loại hình và giá cả của các nước đối tác. Các quy định về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan giúp DN Việt Nam có cơ hội NK nguyên vật liệu và máy móc từ các nước có trình độ khoa học - kỹ thuật cao, với mức giá thấp hơn. Nhờ vậy, DN có thể tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa XK Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tham gia một thị trường rộng lớn như RCEP, DN Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, góp phần tăng cường vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu…

Cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu -0
 RCEP mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận công nghệ từ các nước có trình độ khoa học - kỹ thuật cao. Ảnh: ANH HẢI

Ở góc nhìn khác, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tham gia RCEP cũng mang đến những thách thức không nhỏ đối với các DN Việt. Trong đó, một thách thức lớn đối với DN Việt Nam là RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể hơn là gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc. Với RCEP, Trung Quốc có thêm ưu đãi thuế quan khi XK vào các thị trường này và sẽ gia tăng cạnh tranh hơn nữa với Việt Nam và các nước ASEAN.

Không chỉ vậy, bà Nguyễn Thị Thu Trang thẳng thắn nêu rõ, ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Nếu DN từ các đối tác trong RCEP không điều chỉnh giá trước thuế nhập khẩu, thì hàng của họ vẫn sẽ cạnh tranh hơn về giá khi vào Việt Nam và có thể gây áp lực về nhập siêu. Gia tăng nhập siêu một mặt có thể gây áp lực đối với cán cân thanh toán và thị trường ngoại hối, qua đó ảnh hưởng tình hình kinh tế vĩ mô và dư địa chính sách tiền tệ ở Việt Nam - điều luôn được quan tâm trong những thập niên gần đây. Mặt khác, ngay cả khi gia tăng nhập siêu từ RCEP được bù đắp bởi thặng dư thương mại từ các thị trường khác, rủi ro hàng XK của Việt Nam bị điều tra lẩn tránh thuế vẫn hiện hữu, qua đó ảnh hưởng đến lựa chọn điều hành XK ở cả cấp chính sách và cấp DN.

Những thách thức nêu trên ít nhiều đều ảnh hưởng mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, song theo ông Nguyễn Anh Dương, điều này vẫn có thể xử lý được. Để thực hiện hiệu quả RCEP gắn với bảo đảm mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, CIEM đã đề ra các nhóm giải pháp chính. Đó là tiếp tục thực hiện các cải cách đối với nền tảng kinh tế vi mô nói chung, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, các thị trường nhân tố sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đặt chính sách đầu tư ở vị trí trung tâm, tư duy định hướng về một số ngành cần ưu tiên phát triển, các ngành cần thúc đẩy tự do cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi giá trị ở khu vực RCEP và mức độ tự chủ trong thu hút, sử dụng các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ khu vực. Việc hoàn thiện chính sách thương mại, nhất quán với chính sách đầu tư sẽ góp phần giúp Việt Nam xử lý hiệu quả, hài hòa hơn vấn đề nhập siêu và NK hàng trung gian, phù hợp sự tham gia của DN trong nước vào chuỗi giá trị khu vực RCEP.

Đặc biệt khi RCEP đi vào thực thi, các chuyên gia tại hội thảo khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa; tổ chức lại hệ thống phân phối hàng hóa trong nước, trong đó có cả các cơ sở bán lẻ của các nhà đầu tư thuộc các nước RCEP và tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ ở thị trường RCEP; đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến thương mại ở ngoài nước… Đặc biệt, khai thác lợi thế cạnh tranh phải tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm hàng hóa.