Cơ hội của tín dụng tiêu dùng

Sau khi liên tục tăng trưởng trên hai con số thì lần đầu tiên tín dụng tiêu dùng (TDTD) của Việt Nam chỉ tăng trưởng một con số trong năm 2020. Để thu hút khách hàng, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã thiết kế các sản phẩm cho vay tiêu dùng (CVTD) riêng, đa dạng, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt.    

Nhiều ngân hàng thương mại giới thiệu các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhiều ngân hàng thương mại giới thiệu các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu nhập của người dân chịu nhiều ảnh hưởng khiến nhu cầu vay tiêu dùng giảm sút. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91% và thuộc nhóm cao hàng đầu trên thế giới. Kéo theo đó, thị trường tiêu dùng (TTTD) của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dương (+). Dự báo về thị trường CVTD năm 2021, PGS, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, nếu tăng trưởng kinh tế năm 2020 ở mức 2,91% thì năm 2021 dự kiến đạt mức tăng trưởng hơn 6%. Điều này cho thấy TTTD và CVTD sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt.

Thực tế, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM, tạo nguồn tiền dồi dào tiếp tục đẩy mạnh CVTD. Để thu hút khách hàng, thời gian qua, nhiều NHTM đã thiết kế các sản phẩm CVTD riêng, đa dạng, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt. Thí dụ như tại HDBank, từ tháng 3 đến hết tháng 6-2021, ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, hộ kinh doanh có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, xe ô-tô và tiêu dùng tại HDBank có thể vay từ 200 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, với thời hạn vay tối thiểu 24 tháng, lãi suất ưu đãi 6%/năm trong sáu tháng đầu và 9%/năm trong sáu tháng tiếp theo…

Tương tự tại BIDV, NH này cũng đang có gói cho vay 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 7%/năm trong sáu tháng đầu và cộng thêm biên độ 0,5% - 2%/năm, sau thời gian ưu đãi dành cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân.

BIDV cũng đang triển khai sản phẩm vay trả góp mang tên “Vay tiêu dùng không tài sản bảo đảm” với những ưu điểm nổi bật như: không cần tài sản bảo đảm cho khoản vay; hạn mức vay lên đến 500 triệu đồng; thời hạn cho vay tối đa 84 tháng giúp khách hàng giảm bớt áp lực trả nợ; lãi suất cạnh tranh tính trên dư nợ giảm dần; thủ tục vay đơn giản, thuận tiện; thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng…

Để kích cầu tiêu dùng, tại VPBank, khách hàng chỉ mất 5 phút đăng ký vay tiêu dùng tín chấp trên NH điện tử của VPBank mà không cần hồ sơ giấy tờ nào; giải ngân trực tuyến chỉ sau vài phút; hạn mức vay từ 10- 100 triệu đồng với kỳ hạn vay từ 6- 60 tháng; lãi suất vay dao động từ 15,99%/năm tính trên dư nợ giảm dần.

Mới đây, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và bảy NHTM (VietinBank, ACB, Sacombank, Viet Capital Bank, BaoVietBank, HDBank và VietBank) cũng vừa ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa. Loại hình thẻ này được các NH đưa ra nhằm kích cầu tiêu dùng khi chủ thẻ giao dịch trong hạn mức do NH phát hành thẻ quy định, có thể lên tới 100 triệu đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập sụt giảm thì CVTD là yếu tố quan trọng kích tăng tổng cầu trong nước. Hoạt động bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng trong toàn xã hội sẽ tăng. CVTD kích thích sản xuất, góp phần tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế, phục vụ hoạt động sản xuất hay đầu tư. Khi thị trường tài chính tiêu dùng phát triển sẽ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, cho DN sản xuất, phân phối hàng hóa bán được, tạo điều kiện cho người mua hàng cần vay tiền mua được. Khi đó, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn. 

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế  Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng vẫn rất lớn, tuy nhiên nhiều người vẫn tìm đến tín dụng “đen”. Một số thống kê cho thấy, hiện có khoảng 47% số người dân tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng “đen”. Một khi TDTD phát triển, đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ, thì tín dụng “đen”, tín dụng ngầm sẽ bị thu hẹp, các hệ lụy và bất ổn trong đời sống xã hội nhờ vậy cũng sẽ giảm bớt.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế tài chính, muốn hạn chế tín dụng “đen” phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía ngành công an. Tín dụng “đen” được coi là những hành vi phi pháp. Quy định của Luật Dân sự 2015 lãi suất cho vay tối đa chỉ là 20%/năm, trong khi lãi suất cho vay của tín dụng “đen” cao gấp nhiều lần so mức đó và đây có thể coi là vi phạm pháp luật. Chưa kể là cách thức đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” như vậy chỉ có phía ngành công an mới có thể xử lý mạnh được.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, hiện mức lãi suất CVTD của các NHTM, công ty tài chính thấp hơn nhiều so mức lãi suất 100% - 360%/năm của tín dụng “đen”. Tuy nhiên, để vay vốn của các NHTM, người vay thường phải thực hiện các thủ tục, phải đáp ứng một số điều kiện và phải sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đây cũng là một trong những lý do khiến tín dụng “đen” vẫn còn tồn tại. Để đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tín dụng “đen”, bên cạnh sự nhất quán vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng phải luôn sẵn sàng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân. Ngành ngân hàng đang tích cực đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Nếu là những nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân thì ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho người dân vay.