Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt và nhiều khi thiếu bình đẳng từ các DN nước ngoài. Hầu hết các DN Việt Nam đi sau trong quá trình hội nhập quốc tế, nên để tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu là rất khó. Chính vì vậy, để tạo động lực mới cho ngành công nghiệp phát triển nhanh, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo (CBCT). Đồng thời, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp với sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp cơ khí trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ảnh: LAM ANH
Các doanh nghiệp cơ khí trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ảnh: LAM ANH

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp CBCT ước tính tại thời điểm ngày 30-9-2019 tăng 17,2% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 13,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành CBCT bình quân chín tháng năm 2019 lên tới 72,1%, tỷ lệ tồn kho ở mức an toàn là khoảng 65% (cùng kỳ năm trước là 63,8%).

Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy nhận định, tình hình tồn kho của ngành CBCT cao hơn năm ngoái, vượt ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính kỹ thuật và thời điểm. Tồn kho chủ yếu nằm ở ba nhóm: Thứ nhất là ngành sản xuất xăng dầu có tỷ lệ tồn kho tăng cao 55,7% so năm trước; Thứ hai là ngành sản xuất ô-tô, xe máy (lý do là thuế nhập khẩu (NK) ô-tô xe máy từ các nước ASEAN về 0% nên đang có xu hướng NK ồ ạt ô-tô và xe máy, trong khi trong nước mới có thêm nhà máy sản xuất ô-tô VinFast có quy mô lớn); Thứ ba là ngành sản xuất kim loại (lượng tồn kho của ngành này là mang tính kỹ thuật, vì vậy, có thể khẳng định tồn kho cao không đáng lo ngại).

Tuy vậy, tại báo cáo xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp CBCT quý III, dự báo quý IV-2019 cho thấy, vẫn còn 18,3% số DN ngành này đánh giá gặp khó khăn trong quý III, 12,1% dự báo khó khăn hơn trong quý IV. Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN quý III-2019, có 59% số DN cho rằng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; 45,2% số DN cho rằng do nhu cầu thị trường (TT) trong nước thấp; 24,7% số DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng NK là yếu tố quan trọng...

Mặt khác, trong chín tháng năm nay, ngành CBCT cũng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, với số vốn đăng ký của các dự án (DA) được cấp phép mới đạt 8.139,3 triệu USD, chiếm 74,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Do vậy, lo ngại cạnh tranh trên “sân nhà” gia tăng cũng là điều dễ hiểu.

Tổng Thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Chỉ Sáng chia sẻ, DN cơ khí trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt và nhiều khi thiếu bình đẳng từ các DN nước ngoài. DN Việt Nam đi sau trong hội nhập quốc tế nên để tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu là rất khó. Một số cơ chế, chính sách (CCCS) tạo TT cho DN cơ khí trong nước từ các DA mua sắm, đầu tư từ ngân sách nhưng ít được thực hiện do nhận thức của chủ DA và chế tài thực hiện các CCCS chưa chặt chẽ. Luật Đấu thầu chưa chặt chẽ, cộng với việc áp dụng cứng nhắc của chủ đầu tư (CĐT) không hạn chế được việc thắng thầu nhờ giá rẻ. Thí dụ, Chương trình nội địa hóa thiết bị nhiệt điện, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1791 để nội địa hóa các thiết bị nhà máy nhiệt điện nhưng các CĐT không thực hiện nên các DN cơ khí trong nước bị loại ra khỏi chương trình đầu tư hàng trăm tỷ USD xây dựng nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra, thực tế vẫn chưa có các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ TT trong nước cho ngành cơ khí. Các CCCS về thuế xuất khẩu (XK), thuế NK trong một thời gian dài chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ TT trong nước và thúc đẩy XK đối với các sản phẩm cơ khí của Việt Nam.

Theo ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh tế và dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá khả năng cạnh tranh của các tiểu ngành CBCT còn nhiều điều đáng lưu ý. Điển hình với ngành điện tử, tiểu ngành công nghiệp CBCT có đóng góp doanh thu và giá trị gia tăng cao nhất, XK ròng dương lớn nhất nhưng lại bị chi phối bởi DN FDI và chủ yếu cạnh tranh ở công đoạn lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Tiểu ngành cơ khí, thiết bị điện, sản xuất và thiết bị máy móc khác, thiết bị y tế chính xác và lắp đặt máy móc có khả năng cạnh tranh thấp...

Bộ Công thương từng đưa ra đánh giá, nội lực và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp còn yếu, thể hiện qua số lượng DN công nghiệp rất ít (cả nước chỉ có gần 80.000 DN trong các ngành công nghiệp CBCT), khả năng tài chính và công nghệ hạn chế. DN công nghiệp của Việt Nam chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, chủ yếu tham gia các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa phát triển được thương hiệu. Nguyên nhân một phần là do CCCS phát triển công nghiệp thời gian qua chất lượng thấp, dàn trải, không ổn định. Việc bố trí các nguồn lực để triển khai các CCCS thiếu thống nhất, chưa đủ mạnh, chưa phù hợp thực trạng công nghiệp và trình độ DN Việt Nam.

Do vậy, Bộ Công thương cho rằng, thời gian tới cần xác định phát triển công nghiệp CBCT là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá. Đồng thời, bảo vệ và mở rộng TT trong nước, khai thác ở mức cao nhất TT XK từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết cho các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.

Chia sẻ quan điểm này, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành CBCT, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Đồng thời, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp với sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam.