Chủ động phòng vệ thương mại

Hàng hóa xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện ngày càng nhiều hơn với các vụ kiện, điều tra chống lẩn tránh thuế (ĐTCLTT) và các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Trước bối cảnh đó, để chống gian lận xuất xứ (GLXX), tránh các vụ khởi kiện hiệu quả hơn, doanh nghiệp (DN) được xác định đóng vai trò then chốt, chủ động.

Sản phẩm thép Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu. Ảnh: SONG ANH
Sản phẩm thép Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu. Ảnh: SONG ANH

Theo Bộ Công thương, những cập nhật mới nhất cho thấy, đến tháng 12-2019, đã có 20 vụ việc ĐTCLTT do nước ngoài khởi xướng, áp dụng đối với hàng hóa XK của Việt Nam, chiếm 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với các sản phẩm XK của Việt Nam. Các nước thường xuyên ĐTCLTT và các biện pháp PVTM với hàng Việt gồm: Mỹ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước này tiến hành điều tra 19/20 vụ việc, chiếm 95% tổng số vụ việc ĐTCLTT đã tiến hành. Đáng chú ý, hầu hết các vụ đều đi đến kết luận là có hành vi lẩn tránh và sau đó bị áp dụng biện pháp PVTM. So sánh cho thấy, số lượng vụ việc trong những năm gần đây có những diễn biến khá phức tạp. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, có tổng số 11 vụ việc ĐTCLTT, nhiều hơn toàn bộ số vụ việc lẩn tránh bị điều tra từ năm 2013 trở về trước (với 9 vụ việc).

Lẩn tránh biện pháp PVTM có thể hiểu là hành vi thay đổi nguồn gốc hàng hóa để được hưởng thuế suất thấp. Đối với Việt Nam, các vụ việc nước ngoài khởi xướng ĐTCLTT đối với hàng hóa XK thường thuộc các trường hợp: Hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM được chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế PVTM; hàng hóa lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan (như GSP).

Xét ở góc độ ngành hàng, Bộ Công thương nêu rõ, trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, GLXX, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với sáu vụ, chiếm tỷ lệ 30%. Hầu hết các vụ việc ĐTCLTT với sản phẩm thép đều do Mỹ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Mỹ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc. Gần đây nhất, ngay tháng 12-2019, Mỹ đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc ĐTCLTT với thép CORE, CRS với cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Với kết luận có tình trạng lẩn tránh thuế, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế đang áp dụng cho hàng hóa của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) XK vào Mỹ.

Có thể nói tình trạng GLXX hàng hóa ngày càng diễn biến phức tạp chính là nguồn cơn dẫn tới gia tăng các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp PVTM từ các quốc gia với hàng Việt XK. Phân tích sâu hơn về điều này, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương), hiện nay đang có rất nhiều dạng GLXX, từ đơn giản như DN làm giả giấy xác nhận của địa phương hoặc giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, đến việc cắt dán con dấu giả nhằm qua mặt cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài.

Cùng quan điểm này, Phó Cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Chu Thắng Trung đánh giá, hành vi GLXX, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để XK chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài DN có hành vi bất chính. Tuy nhiên, hành vi này lại làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các DN làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia XK. Để giảm thiểu thiệt hại từ các vụ kiện chống lẩn tránh PVTM, bảo vệ lợi ích của DN làm ăn chân chính, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thông qua trao đổi, làm việc trực tiếp với các cơ quan điều tra, thực tiễn các vụ việc điều tra GLXX, chống lẩn tránh biện pháp PVTM, sự chuẩn bị, tham gia của các DN đóng vai trò then chốt. Cụ thể, các DN cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện. Có thể thấy, nguy cơ bị điều tra về GLXX, lẩn tránh đang ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các thị trường XK lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Canada...

Bên cạnh đó, theo ông Chu Thắng Trung, DN cũng không tham gia, tiếp tay cho các hành vi GLXX, chuyển tải bất hợp pháp. Thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước NK sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng. Trong nhiều trường hợp DN sẽ mất toàn bộ thị trường XK liên quan. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, DN cần chủ động phối hợp các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài DN làm ảnh hưởng tới các DN sản xuất, kinh doanh chân chính.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn như hiện nay, để tránh dính vào các vụ kiện PVTM, DN cần chú trọng hơn nữa tới khâu xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường XK. Điều này nhằm phân tán rủi ro, tránh tập trung XK với khối lượng lớn vào một thị trường, tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp XK từ Việt Nam gia tăng đột biến. Thí dụ, như ngành thép hiện tồn đọng nhiều vấn đề, trước hết là độ chênh giữa nhu cầu nội địa và khả năng sản xuất. Bên cạnh đó, thách thức từ cạnh tranh khi liên tiếp các nước sử dụng biện pháp PVTM để bảo vệ nền sản xuất trong nước…

Về vấn đề này, Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) Trương Thanh Hoài khẳng định, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các biện pháp PVTM theo đúng quy định của WTO và các FTA đã ký kết để bảo vệ các ngành hàng trong nước, đặc biệt là ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu.