Chủ động, kiến tạo nền kinh tế số

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã trở thành một chủ đề lớn được toàn thế giới quan tâm. Tại Việt Nam, dường như tất cả các cấp, các ngành và người dân cũng có sự quan tâm đáng kể nhằm nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, chính sách, bước đi cần thiết để tận dụng tối đa những cơ hội cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này đối với nền kinh tế. Trong bước chuyển mạnh mẽ đó, Bộ Tài chính được đánh giá là tiên phong thực hiện các chủ trương mới của Chính phủ.

Công nghệ thông tin được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính. Ảnh: LAM ANH
Công nghệ thông tin được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính. Ảnh: LAM ANH

Thực tế, Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt xu thế, không ngừng cải thiện mức độ sẵn sàng trong việc tiếp cận, khai thác, tận dụng lợi ích của cuộc CMCN 4.0. Tiến trình tiếp cận CMCN 4.0 đã được chúng ta đẩy nhanh hơn từ đầu năm 2019. Ngày 7-3-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án cổng dịch vụ công quốc gia.

Đặc biệt, khi NQ số 52/TW được ban hành ngày 27-9-2019 về chủ động tham gia CMCN 4.0 với các mục tiêu rất cụ thể, cùng các chính sách thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, thì sau đó chưa đầy một tuần, ngày 3-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trung tâm này được thành lập với mục tiêu hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển KHCN.

Cũng trong ngày 3-10, Diễn đàn cấp cao về “Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit” được tổ chức. Tại đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, CMCN 4.0 là một cơ hội quan trọng để Việt Nam nắm bắt nhằm mục tiêu tăng tốc phát triển nền kinh tế, hướng tới đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao trong tương lai gần trên nền tảng một chiến lược tổng thể của quốc gia về CMCN 4.0, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu hướng chung của quốc tế.

Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đang được Chính phủ xem xét đã xác định ba yếu tố nền tảng: Thứ nhất, đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của KHCN và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng KHCN, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Thứ hai, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu. Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.

Về cơ hội bứt phá mà CMCN 4.0 đem lại, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, khi cuộc cách mạng số, CMCN 4.0 diễn ra, các quốc gia như Việt Nam có cơ hội bứt phá, nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả cơ quan quản lý nhà nước, cả DN, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.

Trong bước chuyển mạnh mẽ đó, Bộ Tài chính được đánh giá là tiên phong thực hiện các chủ trương mới của Chính phủ. Đối với ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã xác định, phải nhanh chóng tiếp cận và nắm vai trò chủ động, kiến tạo, đi đầu trong nền kinh tế số của Việt Nam. Do đó, ngay sau khi NQ số 17/NQ-CP được ban hành, Bộ Tài chính là một trong những bộ đầu tiên ban hành quyết định phê duyệt Kiến trúc CPĐT ngành tài chính. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định phê duyệt Kiến trúc cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính. Đây là hai văn bản mang tính nền tảng, mang nguyên tắc quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của ngành tài chính, đáp ứng yêu cầu triển khai CPĐT.

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai, CNTT được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển nhanh và vững chắc của ngành tài chính, giúp ngành thực hiện tốt nhiệm vụ huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số (CĐS) không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Do đó, các đơn vị trong ngành tài chính phải coi việc phát triển tài chính điện tử hướng tới tài chính số là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp hiện đại hóa ngành tài chính, cần tiếp tục đổi mới thể chế, cơ chế chính sách quản lý tài chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, đi đôi với việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới. Đồng thời, các đơn vị trong ngành tài chính cần đẩy nhanh quá trình CĐS theo định hướng CĐS của Chính phủ. Ngành tài chính phải nhanh chóng tiếp cận và nắm vai trò chủ động, kiến tạo, đi đầu trong nền kinh tế số của Việt Nam.