Chủ động điều hành chính sách tiền tệ

Kinh tế sau mỗi cú sốc hoặc sau khủng hoảng như ảnh hưởng do tình hình dịch Covid-19 hiện nay luôn đứng trước yêu cầu phục hồi và khi đó lĩnh vực tiền tệ đối diện bài toán lớn “giữ ổn định vĩ mô, nhưng phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Tuy nhiên, với một lượng tiền lớn nếu được đưa vào lưu thông, vấn đề đặt ra là ngành nào, lĩnh vực nào có đủ dư địa tăng trưởng để hấp thụ được nguồn vốn này?

Nửa đầu năm 2020, hệ thống ngân hàng có nhiều đợt điều chỉnh lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng. Ảnh: NAM ANH
Nửa đầu năm 2020, hệ thống ngân hàng có nhiều đợt điều chỉnh lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng. Ảnh: NAM ANH

Cố gắng đưa vốn đến với doanh nghiệp

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hệ thống tài chính tại Việt Nam chưa thật sự hoàn thiện. Hai trong số ba trụ cột của hệ thống tài chính đất nước hiện nay là thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu vẫn chưa là kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Gánh nặng tài chính vì vậy đổ lên vai trụ cột cuối cùng là thị trường tiền tệ (TTTT). Thực tế, với chức năng chính là cho vay thương mại, nhưng TTTT luôn phải gánh từ cho vay ngắn hạn tới dài hạn. Đặc biệt, nguồn vốn cho kinh doanh của bất kỳ DN nào cũng gắn liền cụm từ “vay vốn ngân hàng”.

Chủ động trong chính sách tiền tệ (CSTT) để hỗ trợ nền kinh tế sau dịch Covid-19 là việc đã được nhiều nước thực hiện và Việt Nam không phải là ngoại lệ khi một loạt lãi suất điều hành (LSĐH) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hạ từ đầu năm. Không chỉ công cụ CSTT, mà yêu cầu hành chính về hạ lãi suất cũng được ban hành nhằm tạo một giá vốn rẻ hơn cho DN tiếp cận. 

Trước số liệu tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2020 thấp kỷ lục 10 năm, chỉ đạt mức 1,81%, đã xuất hiện những yêu cầu mới với tiền tệ là phải hạ lãi suất mạnh hơn, tăng cung tiền… để vốn ở NH phải đến được với DN. Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm nay, tín dụng cũng chỉ tăng được 3,26% so cuối năm 2019, bằng một nửa so mức tăng của cùng kỳ năm 2019 (7,36%).

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, CSTT đã được tính toán hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh. Cụ thể, NHNN đã quyết định hạ LSĐH hai lần liên tiếp vào tháng 3 và tháng 5-2020, với tổng mức giảm là 100 điểm phần trăm đối với lãi suất tái cấp vốn, cũng như hạ trần lãi suất huy động (LSHĐ) ngắn hạn và trần lãi suất cho vay (LSCV) trong lĩnh vực ưu tiên. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, TTTD thường sẽ là 2,5 lần trên GDP, nghĩa là nếu TTTD vẫn giữ ở tỷ lệ 14% như kế hoạch ban đầu thì GDP ở mức 5,6%. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho biết, phấn đấu GDP tăng trưởng 4% trong năm 2020. Nếu muốn đạt được GDP 4%, thì TTTD sẽ khoảng 10%. Kể cả Chính phủ điều chỉnh mục tiêu GDP còn 3% thì TTTD cũng phải trên 8% cũng là một tỷ lệ vô cùng khó khăn. Cụ thể, dư nợ tín dụng hiện khoảng 8,5 triệu tỷ đồng, nếu TTTD là 14% thì có khoảng 1,2 triệu tỷ đồng được đưa thêm vào nền kinh tế; nếu TTTD là 10% nghĩa là gần 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế và với TTTD là 8% thì hơn 850.000 tỷ đồng. Với một khoản tiền lớn như vậy đưa vào lưu thông, vấn đề được đặt ra, ngành nào, lĩnh vực nào có đủ dư địa tăng trưởng để hấp thụ được nguồn vốn này?

Thực tế, sau khi hết giãn cách xã hội (GCXH), các hoạt động của DN đã quay trở lại. Nhưng trong sáu tháng đầu năm 2020, mới có hơn 62.000 DN đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so cùng kỳ năm 2019, số vốn đăng ký đạt 697.100 tỷ đồng, giảm 19% so cùng kỳ 2019. Ngược lại, số DN tạm ngừng hoạt động là 48.800 DN, tăng 129,4% so cùng kỳ năm trước. Hiện dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên thế giới, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng ở hầu hết các nước nhập khẩu từ Việt Nam đều giảm. Chuỗi sản xuất toàn cầu trong nhiều ngành kinh tế bị gián đoạn thì hoạt động của các DN tại Việt Nam đều bị tác động tiêu cực với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. 

Kết quả khảo sát của Vụ Dự báo, thống kê, NHNN cho thấy, có hơn một nửa số NH tham gia đánh giá, mặt bằng LSHĐ và cho vay sẽ tiếp tục giảm trong quý III và cả năm 2020. Trong đó, các NH chiếm thị phần lớn trên thị trường đều kỳ vọng lãi suất sẽ giảm tiếp. Các NH cho biết, sẽ tiếp tục giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do Covid-19. Trong hơn nửa đầu năm 2020, hệ thống NH đã liên tiếp giảm LSHĐ và có nhiều đợt điều chỉnh LSCV nhằm kích cầu tín dụng.

Cần nhiều giải pháp, chính sách cụ thể, phù hợp

Nhiều chuyên gia nhận định, tình hình đó khiến NH dù rất muốn cho vay, bởi tiền đứng yên trong NH là… “tiền chết”, nhưng không thể cho vay thêm vì DN giảm nhu cầu và mức độ rủi ro cho vay đang tăng lên. LSCV hiện tại đã rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng 10 năm qua, nhưng TTTD của NH cũng ở mức thấp nhất trong khoảng thời gian tương ứng. 

Thực tế, LSCV xuống thấp hơn nữa còn có thể tạo ra một mặt trái, đó là kích thích nhu cầu đảo nợ các khoản vay giá trị cao trước đây của DN và người vay tiêu dùng, khiến cơ cấu cho vay của NH đảo lộn và có thể xuất hiện một số phương thức đảo nợ gây rủi ro cho chính NH, nhất là nguy cơ tạo “hồ sơ ảo” để vay mới nhưng không phải đầu tư kinh doanh, mà để trả nợ cũ. Chỉ khi có cầu thật thì hoạt động sản xuất mới phục hồi và lúc đó LSCV thấp sẽ thật sự hỗ trợ kinh doanh. 

Ông Nguyễn Chí Hiếu phân tích, số liệu cập nhật hằng ngày về Covid-19 trên toàn cầu cho thấy một kịch bản xấu vẫn đang treo lơ lửng, đó là dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại và GCXH diện rộng lại diễn ra. Điều này nguy cơ sẽ giáng một đòn mạnh, tạo tác động tiêu cực tới nỗ lực gượng dậy và hy vọng phục hồi của kinh tế thế giới. Khi đó, nỗ lực đẩy mạnh cho các DN vay sẽ trở thành vô nghĩa, DN không thể phát huy được hiệu quả vốn vay, kịch bản không trả được nợ và nợ xấu NH tăng lên lại lặp lại. Kích thích tăng trưởng bằng tiền tệ là giải pháp có tính truyền thống, nhưng trong bối cảnh hiện tại phải có sự thận trọng.

Hầu hết các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều tung ra các gói kích thích kinh tế rất lớn và lãi suất về mức 0 hoặc âm (-), tức là hết dư địa “nới lỏng” thêm, nhưng dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều định chế tài chính khác thì Mỹ hay nhiều nước châu Âu năm nay vẫn đứng trước mức tăng trưởng âm, thậm chí âm rất sâu từ 6 - 8%. 

Thực tế này đặt một bài toán rất lớn cho Việt Nam khi sử dụng công cụ CSTT. Nếu đẩy được vốn vay ra nền kinh tế một cách hiệu quả thì rất tốt, nhưng không hiệu quả thì các hệ lụy cũ có thể lặp lại, đó là nợ xấu NH, đó là lạm phát, nợ công… Tức là các vấn đề nằm trong nội hàm của “ổn định kinh tế vĩ mô”. Kích thích nền kinh tế bằng việc đẩy lượng vốn lớn vào lưu thông sẽ khiến LSCV xuống thấp, người dân đi vay tiền nhiều và nguồn tiền này có thể đổ vào những thị trường đầu cơ như: bất động sản, chứng khoán, vàng... sẽ tạo ra bong bóng trong nền kinh tế. Và hậu quả sẽ rất khôn lường. 

Thực tế đã diễn ra trong giai đoạn 2011 - 2013 cho thấy, trọng trách cân bằng tăng trưởng kinh tế (TTKT) và ổn định vĩ mô được giao cho hệ thống NH. Thành tựu của điều hành kinh tế Việt Nam sau giai đoạn lạm phát cao và phải tái cơ cấu nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực đã được ghi nhận. “Ổn định kinh tế vĩ mô” vẫn là từ khóa để TTKT bền vững và ổn định các mặt đời sống xã hội. Với câu chuyện hậu Covid-19, phục hồi kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh phòng, chống dịch bệnh quay lại. TTKT còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, góp phần giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, sự ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là yêu cầu không cũ. 

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ, với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, trong điều kiện quy mô GDP 280 tỷ USD mà hơn 70% là tiêu dùng cuối cùng, tiết kiệm nội địa để tích lũy cho đầu tư là rất ít, thì để tăng trưởng, vẫn cần vốn. Nhưng nếu điều hành CSTT không “chắc tay”, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lúc dịch chuyển các dòng vốn. Cần hết sức cẩn trọng trong điều hành CSTT. Ngoài CSTT, để hỗ trợ DN cả trong ngắn hạn cũng như trong trung, dài hạn, cần phải tính đến cả chính sách tài khóa (CSTK). 

Chủ trì phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây, với nhận định dư địa CSTK, CSTT còn khá lớn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ từ nay đến hết năm 2020, cần đặt ra giải pháp, chính sách cụ thể cả về mức độ, liều lượng và thời điểm sao cho phù hợp để vực dậy các ngành, các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, nhất là dịch vụ, du lịch… Trước hết, cần có quyết sách mới chủ động hơn nữa, tích cực, trách nhiệm hơn nữa trước Đảng, nhân dân. Tiếp đó, nghiên cứu chính sách dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch hỗ trợ tổng thể kích thích kinh tế, xác định các vấn đề trọng tâm như tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và đời sống, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và 2021 TTTD trên 10%. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ DN, không để đứt gãy, mất nguồn lực sản xuất, nhất là các lĩnh vực trọng yếu.