Chủ động điều hành chính sách tiền tệ

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ trương bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô (KTVM), thị trường tiền tệ (TTTT) trong nước và thế giới để điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) theo hướng chủ động, linh hoạt, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định TTTT và ngoại hối.

Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ vào khoảng 13%. Ảnh: NG.ANH
Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ vào khoảng 13%. Ảnh: NG.ANH

Đánh giá tổng quan về TTTT năm 2019, tại buổi họp báo về kết quả điều hành CSTT năm 2019 và định hướng điều hành năm 2020, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, công tác điều hành CSTT năm 2019 của NHNN đã góp phần ổn định môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Qua báo cáo của lãnh đạo đơn vị, ngành NH đã hoàn thành tất cả chỉ đạo định hướng của Thống đốc cho năm 2019, góp phần giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và hoạt động ngoại hối. Sau những nỗ lực của năm 2019, Việt Nam bước sang năm 2020 với nền tảng tích cực hơn về CSTT, tài chính, dự kiến tăng trưởng tín dụng (TTTD) năm 2020 sẽ vào khoảng 13%.

Thực tế, về điều hành lãi suất, từ ngày 16-9-2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19-11 giảm 0,2 - 0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5% trần lãi suất cho vay và giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. Đến nay, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 - 0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Các tổ chức có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với DN thông qua nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2019.

Về chính sách tỷ giá, dù chịu nhiều áp lực từ biến động thị trường quốc tế, song NHNN điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trung tâm, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ bám sát diễn biến thị trường, nhờ đó tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối nhà nước. Tính đến cuối năm 2019, TTTD tăng khoảng 13% so cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Ước đến ngày 31-12-2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 11% và chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng với các DN nhỏ và vừa tăng khoảng 16%; DN ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%. Đến cuối tháng 12-2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu 2%).

Về định hướng điều hành CSTT và hoạt động NH trong thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chỉ tiêu tín dụng năm 2020 sẽ được NHNN cân nhắc tỷ lệ tăng phải đáp ứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN và người dân nhưng cũng bảo đảm kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Theo đó, tỷ lệ tín dụng quanh mức như năm 2019 là 13%. Kiểm soát tín dụng trong năm 2020 được cân nhắc trong khoảng như năm 2019, trong quá trình chỉ đạo điều hành tín dụng vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất và kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro.

Theo đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ. Đặc biệt, trong tháng 1-2020 sát Tết Nguyên đán, thanh khoản hệ thống được bảo đảm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế.

Về lãi suất và tỷ giá chịu tác động từ nhiều yếu tố kinh tế thế giới và trong nước. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nên trong năm 2020, NHNN bám sát diễn biến dự báo điều kiện KTVM, TTTT trong nước và thế giới để có sự điều hành mặt bằng lãi suất và thị trường ngoại hối ổn định, giúp người dân có môi trường tốt để triển khai hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Đối với hoạt động thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán, NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; đẩy mạnh thanh toán qua NH đối với dịch vụ công. Đặc biệt, ngành NH sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng hạ tầng công nghệ kết nối cách ngành, lĩnh vực để mở rộng hệ sinh thái số, như giáo dục, y tế, dịch vụ công… Bên cạnh đó, năm 2020 cũng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, bảo đảm an toàn cho người dân.

Đánh giá cao việc NHNN đã điều hành CSTT linh hoạt để ổn định tỷ giá, chuyên gia kinh tế Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, thực tế, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa, CSTT và công tác quản lý giá, công tác điều hành CSTT, đặc biệt là việc điều hành giảm lãi suất đã có tác động tích cực tới tăng trưởng, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và giảm lạm phát. Trong năm 2020, các yếu tố khó khăn của tình hình thế giới vẫn còn, mà nổi lên là tình trạng nợ toàn cầu lên tới 230% GDP, cảnh báo nguy cơ đổ vỡ ở một số điểm xấu có thể lan truyền thành khủng hoảng. NHNN nên tiếp tục linh hoạt, khéo léo hơn nữa trong việc mua dự trữ ngoại tệ trong tỷ lệ cho phép, nới tín dụng và lãi suất để tỷ giá không lên nhiều, tạo sự chuẩn bị cho xu hướng giảm tốc của kinh tế thế giới.