Chủ động các phương án điều hành giá

Trong tháng 4 vừa qua, những yếu tố được cho là tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều được cho là không gây áp lực lên chỉ số lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hết sức phức tạp, một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả, như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, với diễn biến rất bất thường, khó lường hết được.

Theo dõi diễn biến giá cả thị trường để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu. Ảnh: NAM ANH
Theo dõi diễn biến giá cả thị trường để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, trong tháng 3-2021, lạm phát cơ bản giảm 0,12% so tháng 2-2021, tăng 0,73% so cùng kỳ năm 2020. Bình quân quý I - 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,67% so cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức chỉ số CPI bình quân chung (tăng 0,29%) chủ yếu do giá mặt hàng xăng, dầu và điện sinh hoạt giảm mạnh so cùng kỳ 2020. Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và quý I - 2021 so cùng kỳ 2020 đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, diễn biến giá đáng lo ngại nhất trong những tháng đầu năm là giá xăng dầu. Do giá thế giới tăng nên thời gian qua liên Bộ Công thương, Tài chính đã phải linh hoạt trong điều hành, quyết định chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá ở mức khá cao, để hạn chế tốc độ tăng của giá xăng, dầu trong nước. Dù liên tục phải điều chỉnh tăng do giá xăng dầu thế giới tăng, nhưng tính chung, giá xăng dầu trong nước bình quân quý I - 2021 lại giảm 9,54% so cùng kỳ 2020; giá dầu hỏa giảm 14,5% so cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 4 vừa qua, những yếu tố được cho là tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều được cho là không gây áp lực lên chỉ số lạm phát. Đây là những yếu tố thuận lợi để kiểm soát lạm phát ở mức thấp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong năm 2021, giá cả một số mặt hàng rất khó đoán định. Một số yếu tố tác động bất lợi tình hình giá cả, như: nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, có yếu tố tăng, có giảm, nhưng diễn biến rất bất thường, không thể lường hết được. Đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt lợn, cũng rất quan ngại nếu như không thể kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp ảnh hưởng nguồn cung cũng tác động thị trường. Bên cạnh đó, công tác điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn tiếp tục phải thực hiện theo lộ trình, như dịch vụ công: y tế, giáo dục… cũng gây áp lực đến công tác điều hành giá năm 2021. Một yếu tố quan trọng nữa, đó là trong năm 2021 tình hình dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp cũng sẽ tác động tới công tác điều hành giá cả, tuy nhiên nhìn chung mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu dự kiến không có biến động.

Theo Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, năm 2021, Quốc hội đã quyết định CPI tăng khoảng 4%. Trong năm này, bên cạnh tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Do yếu tố khách quan, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng nhiều nhưng đã không xem xét tăng giá trong năm 2020. Trên thực tế, công tác quản lý nhà nước về giá đã từng bước kiểm soát và có điều chỉnh kịp thời giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu với đời sống kinh tế - xã hội; hàng hóa, dịch vụ có tính độc quyền theo hướng thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí, yếu tố cấu thành giá theo thị trường. Đồng thời, đã làm rõ vai trò, nhiệm vụ của Nhà nước trong quản lý, điều hành, bình ổn giá thông qua các cơ chế, biện pháp vĩ mô phù hợp yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đối với việc thực hiện giá một số hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình thị trường trong năm 2021 này, Cục Quản lý giá sẽ chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường, nhưng vẫn phải bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Cục Quản lý giá cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài chính làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu. Thí dụ, như mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu, vừa tính đến yếu tố thị trường, vừa kết hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành. Hay đối với mặt hàng điện, cần đánh giá kỹ yếu tố chi phí tác động giá thành để xem xét mức độ ảnh hưởng giá điện, qua đó có kịch bản điều hành phù hợp, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tránh lạm phát kỳ vọng. Việc điều hành giá phải bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát là ưu tiên số một. Nhưng, điều hành giá cũng phải góp phần để thúc đẩy tăng trưởng. Đây là hai mục tiêu quan trọng và không mâu thuẫn nhau. Chúng ta cần phải đặt ra các giải pháp cho tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, trên cơ sở đó kiểm soát giá, bình ổn giá bằng các công cụ thị trường để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho tăng trưởng dương. Khi kinh tế tăng trưởng trên nền lạm phát được kiểm soát sẽ gia cố vững chắc hơn cho kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, việc quản lý các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ các khoản chi phí theo cơ chế thị trường, góp phần làm cho giá cả phản ánh giá thị trường và là tín hiệu để thị trường phân bổ có hiệu quả nguồn lực của xã hội.