Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

“Mục tiêu năm 2020 đạt một triệu doanh nghiệp (DN), đến nay mới có hơn 800.000 DN, do vậy cần tiếp tục phấn đấu để đạt được. Chúng ta cần ý thức rằng để một DN, một thương hiệu chính đáng của Việt Nam biến mất không chỉ là thất bại của riêng DN, mà là thất bại của Chính phủ, chính quyền địa phương trong tiến trình hội nhập, cạnh tranh toàn cầu”. Đó là quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN năm 2019.

Với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ DN - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN năm 2019 mới đây đã ghi nhận nhiều kiến nghị của đại diện các DN về việc Chính phủ cần giảm thuế, hỗ trợ thị trường để phát triển sản phẩm, tạo điều kiện tiếp cận vốn…

Cụ thể, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị, Chính phủ có chính sách hỗ trợ trở lại cho các DN đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Thí dụ, như hoàn lại thuế thu nhập DN (TNDN) đã nộp cho lợi nhuận sau đó được sử dụng đầu tư mới theo hướng sản xuất xanh, giảm thuế trong 5 - 10 năm. Có chính sách không thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi sử dụng nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu (XK); tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí vận tải nội địa, chi phí kho bãi, kiểm hóa…

Theo ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, DN mong muốn được hỗ trợ thuế, phí, đặc biệt là thuế đối với ô-tô động cơ điện trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành ô-tô. Đồng thời, Chính phủ có hệ thống chính sách đồng bộ khuyến khích cả nhà sản xuất, người tiêu dùng sử dụng động cơ điện...

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DNNVV. Cụ thể, thể chế phải được đổi mới hơn để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh. Riêng đối với hộ kinh doanh, về lâu dài Chính phủ cần nghiên cứu khung pháp lý cho đối tượng này. Chính sách không ép hộ kinh doanh phải chuyển thành DN mà cần khuyến khích. Chính phủ cần miễn thuế TNDN trong hai năm đầu cho hộ kinh doanh chuyển đổi. Đối với DN siêu nhỏ, Chính phủ cũng nên giảm thuế thu nhập từ 17% xuống còn 15%.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kiến nghị, để cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) cần giảm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu. Nếu tháo gỡ được những điểm chồng chéo “mở đường” cho đầu tư, tăng trưởng nền kinh tế sẽ có thể đạt tới 9 - 10%. Do đó, đây là điều cần ưu tiên xử lý sớm so các công việc khác. Tiếp đến, cần gấp rút chính thức hóa hộ kinh doanh (HKD), đưa HKD thành đối tượng điều chỉnh của Luật DN với tư cách là loại hình DN một chủ theo thông lệ quốc tế. Đây cũng là mục tiêu thúc đẩy phát triển DNNVV và siêu nhỏ. Cuối cùng, sớm hoàn thành khung pháp lý về hợp tác công tư nhằm bảo đảm minh bạch, an toàn, huy động được nguồn lực xã hội không chỉ với các dự án hạ tầng, mà còn với các đề án sản xuất, kinh doanh.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển DN nhằm hình thành lực lượng DN có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế; cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”. Tuy nhiên, chính cộng đồng DN cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế.

Hoan nghênh những ý kiến trái chiều, phản biện được nêu ra, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc quan điểm, các mục tiêu giải pháp, định hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nâng cao hiệu quả, cơ chế đầu tư nước ngoài… phải vận dụng, áp dụng vào địa phương, lĩnh vực theo các chỉ đạo tại các Nghị quyết mà Đảng, Chính phủ đã đề ra. Theo đó, các bộ, ngành cần tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, chuyển sang hậu kiểm… phải làm nhanh hơn, không để kéo dài.

Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần mạnh mẽ thay đổi tư duy, để tương thích với mặt bằng của DN, nhà đầu tư. Mục tiêu năm 2020 đạt 1 triệu DN, đến nay mới có hơn 800.000 DN, do vậy cần tiếp tục phấn đấu để đạt được. Tuy nhiên, cần quan tâm nhiều đến chất lượng. Bởi số lượng DN trên quy mô dân số vẫn còn thấp, đồng thời chưa có DN nào lọt 500 DN quy mô lớn nhất thế giới. Chúng ta cần ý thức rằng để một DN, một thương hiệu chính đáng của Việt Nam biến mất không chỉ là thất bại của riêng DN, mà là thất bại của Chính phủ, chính quyền địa phương trong tiến trình hội nhập, cạnh tranh toàn cầu. Về phía DN, để đạt được những thành công trong thời gian tới, các DN cần phải đoàn kết lại, nâng cao tương tác, chủ động hỗ trợ nhau trên thương trường, gắn bó nhau khi khó khăn để cùng nhau vươn ra “biển lớn”.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng cam kết, Chính phủ sẽ đồng hành cùng DN bằng việc tiếp tục duy trì vững chắc nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy không ngừng các cải cách, chính sách quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, xóa bỏ rào cản kinh doanh, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản, lợi ích của DN.