Chạm “room” & sự thay đổi tích cực

Tính đến cuối tháng 9-2019, nhiều ngân hàng (NH) đã tăng kịch trần hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng (TTTD) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cấp từ đầu năm, và không phải NH nào cũng được “nới room”. Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế đã giảm bớt sự phụ thuộc vào TTTD. Thực tế, trong bối cảnh hạn mức TTTD hạn hẹp, các NH vẫn đang nối tiếp nhau công bố các con số “khủng” về lợi nhuận quý III-2019.

Nhiều ngân hàng đã hết hạn mức cho vay, buộc phải đẩy mạnh thu hồi nợ và chỉ cho vay ngắn hạn để có thể tái cho vay. Ảnh: NAM ANH
Nhiều ngân hàng đã hết hạn mức cho vay, buộc phải đẩy mạnh thu hồi nợ và chỉ cho vay ngắn hạn để có thể tái cho vay. Ảnh: NAM ANH

Theo Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng, đến cuối tháng 9-2019, lợi nhuận trước thuế của NH mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so cùng kỳ năm 2018, đạt 85,4% kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so cùng kỳ, bằng 85,8% kế hoạch năm 2019. Như vậy, chỉ mới ba quý đầu năm 2019, Vietcombank đã hoàn tất hơn 85% chỉ tiêu lợi nhuận. Việc vượt kế hoạch trong năm nay là hoàn toàn có cơ sở.

Tương tự, Agribank công bố lợi nhuận trước thuế tám tháng năm 2019 đạt 8.820 tỷ đồng, hoàn thành 80,2% kế hoạch lợi nhuận tối thiểu cho cả năm (dự kiến 11.000 tỷ đồng). Một số NH khác cũng dự báo đạt mức lợi nhuận cao trong ba quý đầu năm. Thí dụ như VPBank, bảy tháng đầu năm 2019 đạt 5.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 56% kế hoạch cả năm. Nếu tính riêng tháng 7, mức lợi nhuận 1.000 tỷ đồng cũng cao hơn 42% so cùng kỳ năm 2018. TPBank ước lợi nhuận chín tháng tăng 49% so cùng kỳ năm trước, đạt 2.400 tỷ đồng, tương đương 75% kế hoạch năm. Năm 2019, TPBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng 41% so năm 2018…

Tuy không đạt mức “kỷ lục” về lợi nhuận, song với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 ở mức 2.650 tỷ đồng, Sacombank đã sắp cán đích cả năm. Tính đến ngày 30-9-2019, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 89,5% so cùng kỳ năm 2018. Các nguồn thu nhập của Sacombank tiếp tục tăng trưởng ổn định, tổng thu nhập thuần đạt 10.861 tỷ đồng, tăng 36,5% so cùng kỳ năm 2018. ACB và MB cũng kỳ vọng sớm đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019, lần lượt là gần 7.300 tỷ đồng và hơn 9.500 tỷ đồng. Đây là hai trong bốn NH sớm hoàn tất Basel II, được NHNN “nới room” TTTD (ACB từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MB từ 13% lên 17%).

Tính đến cuối tháng 9-2019, nhiều NH đã tăng kịch trần “room” TTTD được NHNN cấp từ đầu năm. Dẫu vậy, không phải NH nào cũng được nới room. Cụ thể, kết thúc chín tháng năm 2019, TTTD của Vietcombank là 15%, đạt hơn 735.000 tỷ đồng. Như vậy, TTTD của Vietcombank đã gần hết “room” được cấp. Lãnh đạo Vietcombank từng cho hay, NH sẽ không xin nới thêm room, mà đẩy mạnh bán lẻ để tăng lợi nhuận.

Tại Sacombank, tăng trưởng cho vay tính đến cuối tháng 9-2019 đạt 290.934 tỷ đồng, tăng 13,1%. Năm 2019, Sacombank được cấp hạn mức TTTD 7% và đến tháng 7-2019 đã cạn khi dư nợ cho vay đạt 280.555 tỷ đồng. Sacombank đã có đề xuất lên Thống đốc NHNN xin được “nâng room” TTTD giai đoạn 2018 - 2020 từ 18-20% và nâng hạn mức cho năm 2019 lên 19%. Thế nhưng, “room” TTTD của NH này khó có thể được nới trong bối cảnh ngành NH kiểm soát mục tiêu tín dụng ở mức 14% trong năm nay.

Thực tế, tính đến hết tháng 6-2019, nhiều NH đã hết dư địa cho vay khi “room” TTTD cạn kiệt, buộc các NH này phải đẩy mạnh thu hồi nợ và chỉ cho vay ngắn hạn để có thể tái cho vay. OCB, TPBank, VIB và ACB là những NH sớm cạn “room” TTTD. Ngay khi bước sang quý II-2019, tốc độ TTTD của TPBank đã đạt 11,2%, trong khi chỉ tiêu được NHNN giao đầu năm là 13%. Vì nằm trong nhóm NH tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn nên TPBank được NHNN tăng thêm “room” sau đó, nhưng mức tăng không nhiều, chỉ là 4%, tức hạn mức cả năm được điều chỉnh lên 17%.

OCB và VIB cũng mong muốn được nâng “room” TTTD năm 2019 lên tương ứng 30% và 35%, nhưng vẫn chưa được NHNN chấp thuận.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới đây của NHNN cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm kỳ vọng tăng trưởng huy động và tín dụng trong thời gian tới. Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong quý IV-2019 và tăng 13,06% trong năm 2019, giảm 0,42% so mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (nhưng vẫn cao hơn mức tăng thực tế 12,45% của năm 2018). Dư nợ tín dụng của hệ thống NH được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý IV-2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, giảm 0,72% so mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018).

Về vấn đề TTTD, theo TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, giai đoạn 2016 - 2017, dòng vốn tín dụng đóng góp 57% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, nhưng đến năm 2018 và chín tháng năm 2019, dòng vốn NH chỉ đóng góp khoảng 46%. Tính sơ bộ, dòng vốn NH đã giảm dần nhưng nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy các dòng vốn khác như vốn tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân rất tốt.

PGS, TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, so sánh giữa tăng trưởng huy động với cho vay trong chín tháng năm nay có thể thấy “bức tranh” đang có sự thay đổi tích cực so những năm trước. Chênh lệch huy động/cho vay những năm trước có thể dẫn đến nguy cơ thiếu thanh khoản NH, nhưng năm nay huy động cao hơn cho vay. Đó là tín hiệu tốt, sẽ giảm căng thẳng về thanh khoản. Các NH đang cố gắng cân đối lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thậm chí có thể giảm xuống xấp xỉ 30% trong thời gian tới. Thực tế minh chứng nền kinh tế đã giảm bớt sự phụ thuộc vào TTTD, đây là điểm tích cực đáng ghi nhận.