Công tác cổ phần hóa, thoái vốn

Chậm & còn nhiều vướng mắc

Công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua đã đạt kết quả tích cực; hoạt động cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đã thực chất, bảo đảm minh bạch, công khai hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mắc về thể chế. Hay như quy định về xác định giá trị DN khi CPH, xác định giá trị lịch sử, văn hóa là như thế nào còn chưa rõ ràng đã làm tiến trình CPH diễn ra rất chậm, thậm chí đình trệ theo dây chuyền.

Công tác cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty như Agribank, Vinafood, VNPT... đang gần như đình trệ.
Công tác cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty như Agribank, Vinafood, VNPT... đang gần như đình trệ.

Tất cả các công đoạn đều chậm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN quốc gia, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg nên chưa thực hiện phê duyệt phương án cơ cấu lại tổng công ty (TCT) nhà nước, DNNN như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đác Lắc, Gia Lai, Quảng Nam, Bạc Liêu... Một số phương án cơ cấu lại của các tập đoàn (TĐ), TCT còn đang chờ được phê duyệt. Vì thế, đến ngày 30-9-2019, vẫn còn tới 71% số DN (378 DN) chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại. Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Về thoái vốn, báo cáo cho thấy lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.

Công tác CPH tại một số DN, TĐ, TCT như: Agribank, Vinafood, VNPT đang gần như đình trệ, bởi các đơn vị này đều có quy mô lớn, có mặt tại 63 tỉnh, thành phố; nếu như một địa phương không phê duyệt được phương án sử dụng đất, thì tất cả công tác này đều đình trệ.

Công tác CPH chậm, thoái vốn ít nên việc bán đấu giá cổ phần nhà nước ở Sở giao dịch chứng khoán cũng ít. Tính từ đầu năm đến tháng 9-2019, số DN thực hiện CPH, thoái vốn bằng 45% so năm 2018. Tổng giá trị thực tế bán được đạt hơn 4.771 tỷ đồng, bằng hơn 12% tổng giá trị thực tế bán được năm 2018, bằng hơn 3,7% tổng giá trị thực tế bán được năm 2017. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC cũng quá chậm, mới thực hiện chuyển giao 32 DN, còn 30 DN (với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng) chưa chuyển giao.

Theo đánh giá của Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, tiến độ CPH, thoái vốn của DNNN đến nay vẫn rất chậm, không đạt kế hoạch đề ra, đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa để khắc phục những hạn chế, vướng mắc.

Đại biểu Quốc hội (QH) Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH cũng nhận định, nhìn lại quá trình CPH, thoái vốn thời gian qua, hầu như tất cả các công đoạn đều chậm, từ chậm CPH, chậm thoái vốn đến chậm bàn giao, chậm niêm yết, chậm chuyển vốn về Quỹ Hỗ trợ phát triển DN.

Nhiều hạn chế, vướng mắc

Cơ chế, chính sách về CPH, thoái vốn tại DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút nhà đầu tư (NĐT) có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ). Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH. Hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của NLĐ được nâng lên.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, quá trình triển khai thực tế còn những hạn chế, vướng mắc. Đó là một số bộ, ngành, địa phương, TĐ kinh tế, TCT nhà nước chưa thật sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, chưa công khai minh bạch, thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước. Do đó, thời gian tới phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hơn nữa thì mới đẩy nhanh được tiến độ và bảo đảm hiệu quả công tác CPH.

Quá trình CPH DNNN cần nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động. Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các NĐT mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, chúng ta phải có sức ép bằng kỷ cương, kỷ luật. Nếu không có áp lực thì rõ ràng cấp dưới, các DN sẽ không muốn làm bởi họ sợ trách nhiệm, sợ mất quyền lực... Đây có lẽ là mấu chốt của vấn đề. Các bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT nhà nước cần tập trung khắc phục những hạn chế, vướng mắc, nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai các nghị quyết của Đảng, QH, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu công khai, minh bạch, chúng ta đã quán triệt thực hiện tốt, bước đầu đã phát hiện trong quá trình thoái vốn có tình trạng cố ý làm trái pháp luật và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nên không thể chủ quan. Công tác CPH, thoái vốn cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc. Sẽ xem xét xử lý trách nhiệm với tinh thần khách quan, công khai, minh bạch, đặt lợi ích của Nhà nước lên trên hết.