Cầu tín dụng tăng nhanh

Nỗ lực giảm lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã góp phần tạo nên tâm lý tích cực, hỗ trợ phần nào sự phục hồi của nền kinh tế. Trong tháng cuối của quý III - 2020, cầu tín dụng tăng nhanh đã giúp lợi nhuận của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhích dần lên, trong đó một số NHTM đã gần chạm đích tăng trưởng của cả năm 2020.

Hầu hết các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch hành động hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất huy động. Ảnh: NG.NAM
Hầu hết các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch hành động hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất huy động. Ảnh: NG.NAM

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, thời gian qua, hai đợt bùng phát dịch Covid-19 đã tác động trực diện, sâu rộng đến nền kinh tế; sản xuất, kinh doanh đình trệ, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, vận tải, lưu trú và các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu...; việc làm, thu nhập của người lao động suy giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, ngành NH đã kịp thời rà soát để giảm, giãn nợ cho khách hàng. Nhiều NHTM đang tập trung dồn vốn cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã ba lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh từ 1,5 - 2% để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.

Sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, hầu hết các NH đã xây dựng kế hoạch hành động hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất huy động (LSHĐ), triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay (LSCV); triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng thuộc các ngành, lĩnh vực ảnh hưởng lớn do dịch. Thực tế, lãi suất điều hành của Việt Nam hiện nay đã giảm mạnh nhất so các nước trong khu vực. Chẳng hạn, Philipines mới giảm 1,75%, Thái-lan giảm 0,75%, Malaysia giảm 1,25%, Indonesia giảm 1,0%, Ấn Độ giảm 1,15%, Trung Quốc giảm 0,3%.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), LSCV của Việt Nam không cao hơn mặt bằng LSCV của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Tính đến tháng 7-2020, LSCV bình quân của ASEAN-6 là khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%, còn Việt Nam là 7,2%/năm. Trong đó, LSCV ngắn hạn cao nhất đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức LSCV bình quân của ASEAN-4. Nếu so các nước có trình độ phát triển tương đồng như: Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%) và Ấn Độ (9,05%), LSCV của Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV - 2020 của các TCTD do Vụ Dự báo - Thống kê, NHNN vừa công bố cho thấy, có đến 67,6% số TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý IV - 2020 sẽ cải thiện hơn các quý trước. 

Với các NHTM, trong tháng cuối của quý III-2020, cầu tín dụng tăng nhanh đã giúp lợi nhuận của các NHTM tăng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III-2020, kết quả kinh doanh của MSB tăng trưởng bứt phá khi lợi nhuận trước thuế cán mốc hơn 1.666 tỷ đồng, đạt gần 116% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.327 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 53%. Tổng cho vay khách hàng đạt gần 73.500 tỷ đồng, tăng gần 27% so cùng kỳ và gần 15,5% so cuối năm 2019.

Tương tự, lợi nhuận trước thuế VPBank thu được sau chín tháng đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng; riêng lợi nhuận của NH mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất.

Hay trong quý III, VIB cũng đã đạt 1.668 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so quý II - 2020 và tăng 52% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế chín tháng, tổng doanh thu của VIB đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ. Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm của VIB chỉ là 4.500 tỷ đồng. Tại LienVietPostBank, đến hết quý III - 2020, lợi nhuận lũy kế đã vượt kế hoạch cả năm 2020. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế chín tháng đạt hơn 1.740 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 1.700 tỷ đồng…

Theo đánh giá của các TCTD, dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các NHTM sẽ phát triển tốt từ nay đến cuối năm 2020. Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, với việc dịch Covid-19 tiếp tục được Chính phủ kiểm soát tốt như hiện nay và với các dấu hiệu chuyển biến tích cực từ thị trường, ban lãnh đạo VPBank kỳ vọng hoạt động kinh doanh cả năm 2020 sẽ đạt kết quả khả quan và nhiều mục tiêu chính sẽ vượt mức kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Tăng trưởng của ngành NH đang có sự cải thiện trong quý III và dự báo tiếp tục cải thiện nhờ yếu tố dư nợ của các NHTM đang có chiều hướng tăng, nhất là trong bối cảnh LSHĐ giảm, các NH có điều kiện giảm LSCV. Tuy nhiên, nhận định về tình hình kinh doanh năm 2020, số TCTD đánh giá “suy giảm nhẹ” so năm 2019 tiếp tục tăng so kỳ điều tra trước, chỉ có 48,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể “cải thiện” hơn so năm 2019.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, lợi nhuận ngành NH trong năm nay sẽ giảm từ 20 - 25% do áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đang đè nặng. Đặc biệt, khi nợ xấu chưa được “che giấu” bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN có xu hướng tăng, bắt buộc NH phải tăng dự phòng rủi ro trong quý IV. LSCV vẫn còn dư địa giảm, nhưng khó giảm sâu vì mặt bằng lãi suất thời gian qua đã dần xuống mức thấp để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, dự báo cầu tín dụng trong hai tháng cuối năm sẽ được cải thiện so các tháng trước. Nỗ lực giảm lãi suất của các TCTD sẽ góp phần tạo nên tâm lý tích cực, hỗ trợ phần nào sự phục hồi của nền kinh tế. Đây là điều kiện tốt để thúc đẩy TCTD trong bối cảnh cầu tín dụng tăng.

Theo nhận định của ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Trường đại học Kinh tế quốc dân, chính sách hạ lãi suất của Việt Nam dù không trực tiếp hỗ trợ TCTD của các NHTM, nhưng lại giúp giảm áp lực trả nợ cho các DN. Nếu kiểm soát tốt lạm phát trong thời gian tới, dư địa hạ lãi suất sẽ còn rất nhiều.