Cao điểm kiểm tra thị trường dịp cuối năm

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo đó, Tổng cục QLTT sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn như: lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả, rượu bia, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật…

Những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn như lương thực, thực phẩm, bánh kẹo sẽ được kiểm soát chặt. Ảnh: LAM ANH
Những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn như lương thực, thực phẩm, bánh kẹo sẽ được kiểm soát chặt. Ảnh: LAM ANH

Cụ thể, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Cục Nghiệp vụ QLTT mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm (ATTP), phối hợp với các lực lượng chức năng (LLCN) tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố. Đồng thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Tổng cục QLTT yêu cầu các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Triển khai thực hiện hiệu quả việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, nhất là các tỉnh, thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp.

Tập trung phối hợp triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP đang tồn tại trên địa bàn.

Tại buổi làm việc với Tổng cục QLTT và các đơn vị thuộc Bộ Công thương về công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, chiều 11-11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, lực lượng QLTT đã thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là yêu cầu mới về việc tập trung tiến công và xử lý vi phạm về buôn lậu (VPVBL), GLTM và hàng giả.

Xác định chống hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT, Tổng Cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh cho biết, từ đầu năm đến nay, Tổng cục QLTT đã tiến công được vào những điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được tại hai trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái (Quảng Ninh); các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội (chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên) và tại TP Hồ Chí Minh (chợ Bến Thành)… Đặc biệt, vừa qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra, tạm giữ gần 300 tấn đường cát có dấu hiệu nhập lậu tại Bình Dương. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuy nhiên những kết quả đó còn thấp so yêu cầu của thị trường, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ khó khăn nội tại của công tác chống hàng giả. Công tác này đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, lực lượng QLTT chưa xây dựng được hệ thống cơ sở báo tin dày dặn và chuyên nghiệp.

Đặc biệt, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và nhận thức chưa đầy đủ của doanh nghiệp (DN) trong nước cũng là trở ngại cho hoạt động của lực lượng QLTT. Ông Trần Hữu Linh dẫn chứng: Nhiều DN rất chủ động phối hợp lực lượng QLTT, đặc biệt là DN nước ngoài, khi phát hiện hàng hóa bị làm giả sẽ báo ngay cho các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc kiểm tra xử lý. Trong khi đó, DN trong nước lại thụ động, có tâm lý e ngại đề cập vấn đề này.

Về hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, nửa năm trở lại đây, QLTT đã xử phạt rất nhiều vụ vi phạm. Gần đây nhất, Cục QLTT Hà Nội đã thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm không có hóa đơn chứng từ đang trong quá trình thay đổi tem, nhãn thành “Made in Việt Nam”. Trong đó, có 16 bao quần áo gắn nhãn thương hiệu NEM. Đặc biệt, ngày 11-11, Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra 5 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội. Kết quả sơ bộ thu giữ hơn 9.000 sản phẩm mang thương hiệu SEVEN.am không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm.

Biểu dương những kết quả lực lượng QLTT đã đạt được, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Tổng cục cần phát huy tích cực tinh thần đó. Đồng thời, cụ thể hóa việc phối hợp ngang và phối hợp dọc với các đơn vị chức năng cũng như địa phương. Theo đó, các yêu cầu phải được cụ thể hóa bằng mục tiêu và đánh giá cụ thể.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổng cục QLTT cần đổi mới cách thức, phương thức QLTT, tập trung đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, chọn những khâu cơ bản trong hệ thống để đánh thẳng. Để làm được điều đó, cần có kế hoạch tổng thể làm việc với từng đơn vị chức năng trong Ban Chỉ đạo 389, chia sẻ dữ liệu thông tin với các đơn vị như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan hay Tổng cục Thuế…

Về phía Tổng cục QLTT, theo ông Trần Hữu Linh, do nhu cầu của thị trường thường tăng cao vào dịp cuối năm, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm về kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết. Cùng với đó, trên các tuyến quốc lộ và tuyến biên giới, Tổng cục QLTT sẽ chỉ đạo các Cục QLTT phối hợp các LLCN chốt chặt, kiên quyết chặn đứng hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thương mại, hàng giả, hàng nhái.