Cẩn trọng mở lại các đường bay thương mại quốc tế

Cùng với việc kiểm soát tốt đợt dịch Covid-19 lần thứ hai, các cơ quan chức năng đang thống nhất phương án để tái khởi động hàng loạt đường bay thương mại quốc tế (TMQT). Việc “mở cửa trở lại bầu trời” được kỳ vọng sẽ tạo đà cho ngành hàng không và cả nền kinh tế hồi phục trong thời gian tới. 

Các hãng hàng không chỉ được bán vé cho hành khách đã có thị thực nhập cảnh và địa chỉ lưu trú cách ly khi ở Việt Nam.
Các hãng hàng không chỉ được bán vé cho hành khách đã có thị thực nhập cảnh và địa chỉ lưu trú cách ly khi ở Việt Nam.

Khởi động lại hàng loạt đường bay

Ngày 19-9 vừa qua, chuyến bay TMQT một chiều đầu tiên mang ký hiệu VN310 hành trình Hà Nội - Tokyo (Nhật Bản) của Hãng hàng không (HHK) Vietnam Airlines đã cất cánh an toàn từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Chuyến bay chở gần 60 hành khách chủ yếu là các du học sinh, người lao động đến Nhật Bản tiếp tục học tập, lao động và sinh sống. Chuyến bay được khai thác bằng tàu bay Airbus A350 với hơn 300 chỗ. 

Dự kiến trong tháng 9, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện thêm hai chuyến bay nữa từ Hà Nội đi Tokyo vào các ngày 25-9 và 30-9, cùng một chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Tokyo vào ngày 30-9. Ngoài đường bay nối Tokyo (Nhật Bản), Vietnam Airlines dự kiến sẽ khôi phục các đường bay với Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia trong thời gian tới. Các HHK khác cũng đồng loạt công bố kế hoạch khai thác trở lại các chuyến bay TMQT thường lệ với các phương án bay cụ thể. 

Đại diện các HHK cũng cho biết, tần suất khai thác chung của các chuyến bay sẽ từng bước được tăng dần theo nhu cầu của thị trường. Các chuyến bay chở khách chiều ngược lại tới Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có phê duyệt chính thức của các cơ quan chức năng. Gần nhất mới chỉ có Vietnam Airlines thông báo mở bán vé chuyến bay từ Seoul (Hàn Quốc) về Hà Nội, dự kiến khởi hành vào sáng 25-9. Đây là chuyến bay TMQT thường lệ chính thức về Việt Nam đầu tiên sau dịch Covid-19 của ngành hàng không Việt Nam (HKVN). Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục HKVN cho biết, hiện nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều đã nhất trí phương án vận chuyển khách mà Việt Nam đưa ra. 

Về yêu cầu đối với hành khách nhập cảnh, Bộ GTVT cho biết, HHK chỉ được bán vé cho người đã có thị thực nhập cảnh và địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam. Khi bán vé, HHK chịu trách nhiệm kiểm tra giấy xác nhận âm tính với Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp. Hành khách trước khi lên máy bay phải kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI), có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với Covid-19 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng ba ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này).

HHK phải gửi Cảng vụ hàng không danh sách hành khách dự kiến thực hiện chuyến bay 12 giờ trước khi khởi hành theo phép bay và danh sách chi tiết hành khách chuyến bay 30 phút trước giờ khởi hành thực tế của chuyến bay.

Cục HKVN cũng cần yêu cầu HHK, trong trường hợp vận chuyển hành khách quá cảnh từ quốc gia thứ ba, bố trí khoang riêng cho các đối tượng quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh Việt Nam, không ngồi cùng các đối tượng nhập cảnh từ sáu địa bàn: Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Phnom Penh (Campuchia), Vientiane (Lào). 

An toàn là số một

Trước những ý kiến lo ngại về việc mở cửa trở lại bầu trời có kéo theo nguy cơ “nhập khẩu” dịch bệnh hay không, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, việc mở cửa hàng không có nhập dịch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mở, lựa chọn những quốc gia nào để bắt đầu việc mở. Các nước trên thế giới như: Thái-lan, Singapore... đã tạo ra những “Travel bubbles” (khối, cụm du lịch an toàn). Đây là các thỏa thuận song phương hoặc đa phương để làm rõ những quy định về trách nhiệm, công việc của nước khởi hành, nước đón khách. Quan trọng là những thỏa thuận này phải chi tiết và tỉ mỉ, là sự phối hợp giữa các trung tâm kiểm dịch, các đơn vị khác tham gia vào công tác phòng, chống dịch ở nước ta và các nước đối tác, giúp tạo niềm tin cho hành khách về sự an toàn.

Ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, việc mở lại đường bay TMQT được các quốc gia ứng xử rất khác nhau. Có nước thận trọng, đánh đổi kinh tế để bảo đảm an toàn nhưng cũng có những quốc gia mở cửa nên sẽ cần phải có những dàn xếp, thỏa thuận, mở cửa dần dần. Vấn đề an toàn là số một, muốn mở lại phải phân tích kỹ cả điều kiện bảo đảm an toàn và nhu cầu đi lại của người dân. Về phòng, chống dịch, Việt Nam đều đã làm rất tốt và đây là điều kiện cho việc kiểm soát bệnh. Ngoài ra, việc test thử, cơ sở cách ly cũng bảo đảm.

Tâm lý e ngại việc di chuyển bằng máy bay của hành khách đang là một trở ngại làm chậm quá trình khôi phục các chuyến bay TMQT. Theo tính toán, nếu hệ số sử dụng ghế dưới 50% thì các HHK sẽ càng bay càng lỗ. Vì vậy, TS Lương Hoài Nam cho rằng, thận trọng là tốt, nhưng nếu thận trọng đến mức không làm gì hoặc chỉ mở trên hình thức thì doanh nghiệp hàng không và du lịch sẽ chịu những thiệt hại không đáng có, có thể khiến bỏ qua những cơ hội, cũng như trách nhiệm xúc tiến công việc để tạo ra cơ hội trong bối cảnh hiện nay.

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 18-9 về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý mở thêm đường bay tới Thái-lan và giao Bộ GTVT chỉ đạo tăng tần suất các chuyến bay TMQT để đón chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân nhập cảnh làm việc, đón công dân Việt Nam về nước; từng chuyến bay phải có phương án và chủ động phòng ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.