Cẩn trọng khi tính mức giá điện dành cho sản xuất

Cùng với việc đưa ra phương án bán điện đối với điện sinh hoạt, mới đây Bộ Công thương cũng đã đưa ra lấy ý kiến về cách tính giá điện ngoài sinh hoạt cho khách hàng khối sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp.  

Nhiều ý kiến cho rằng giá điện phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa được tính toán hợp lý. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều ý kiến cho rằng giá điện phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa được tính toán hợp lý. Ảnh: HẢI NAM

Theo cách tính giá mới được Bộ Công thương đưa ra, giá bán điện cho sản xuất và kinh doanh sẽ tăng từ 1,6 đến 2,4 lần so mức giá bán lẻ bình quân. Cụ thể, với phương án tính riêng khách hàng sản xuất và kinh doanh, giá bán điện sản xuất cao nhất bằng 167% giá bán lẻ bình quân cho cấp hạ áp dưới 1 kV; mức thấp nhất bằng 51% giá bán lẻ bình quân vào giờ thấp điểm ở cấp điện áp 220 kV trở lên. 

Với giá bán lẻ bình quân hiện tại là hơn 1.864 đồng/kWh, giá bán điện sản xuất cao nhất khoảng 3.114 đồng/kWh; thấp nhất là 951 đồng/kWh. Tương tự, giá bán điện kinh doanh thấp nhất bằng 73% giá bán lẻ bình quân vào khung giờ thấp điểm cho cấp điện trung và cao áp trên 1 kV; cao nhất bằng 246% giá bán lẻ bình quân vào khung giờ cao điểm với cấp hạ áp đến 1kV. Với phương án gộp sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh vào chung nhóm khách hàng dùng điện ngoài sinh hoạt, giá điện sản xuất và kinh doanh thấp  nhất sẽ bằng 51% giá bán lẻ bình quân và cao nhất 169% giá bán lẻ bình quân.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, tăng giá điện sản xuất, kinh doanh là việc làm cần thiết. Bởi trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục phải tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt do khó khăn về phát triển nguồn điện và chi phí sản xuất tăng, thì từ năm 2015 đến nay mức giá bán điện cho sản xuất, kinh doanh lại được bán rất rẻ. Giá điện của Việt Nam so khu vực đã rẻ, giá bán điện cho sản xuất lại càng rẻ nên nhiều ngành công nghiệp mặc sức sử dụng công nghệ tiêu tốn điện năng mà chẳng quan tâm cải tạo, bổ sung công nghệ để giảm tiêu thụ điện. So giá bán lẻ bình quân là 1.864 đồng/kWh, EVN đang bán lỗ cho doanh nghiệp (DN) khi điện cho sản xuất chỉ có giá bán lần lượt là 1.405 đồng/kWh, 945 đồng/kWh và 2.556 đồng/kWh tương ứng các khung giờ bình thường, giờ thấp điểm và giờ cao điểm cho cấp điện áp từ 22 kW đến dưới 110 kW. DN sử dụng điện sản xuất ở cấp điện áp dưới 6 kV cũng chỉ chịu mức giá bán cao hơn một chút... 

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, dù đây là thời kỳ sản xuất, kinh doanh sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng điện cung cấp cho hoạt động kinh doanh thương mại giảm 11,7%, nhưng EVN vẫn phải tổ chức sản xuất, mua ngoài và nhập khẩu sản lượng điện lên đến 163,4 tỷ kWh, tăng 1,6% so năm 2019. Thủy điện dù luôn được coi là giữ vai trò chủ lực trong cung cấp điện với giá bán sỉ từ các nhà máy cho EVN chỉ ở mức 1.000 đồng mỗi kWh, nhưng sản lượng huy động được thống kê trong bảy tháng cũng chỉ đạt hơn 29 tỷ kWh, giảm hơn 20% so năm trước. Ngược lại, với giá EVN phải mua sỉ khoảng 1.500 đồng/kWh và còn để lại một loạt hệ lụy về môi trường, thì nhiệt điện than đã phải huy động ở mức hơn 80 tỷ kWh, tăng 14,5% so năm 2019. 

Tương tự, dù đã giảm đi 15%, nhưng sản lượng điện từ tua-bin khí với giá thành sản xuất cao hơn thủy điện vẫn được huy động ở mức hơn 22 tỷ kWh. Khó khăn về nguồn phát, nên dù có giá thành rất cao, nhiệt điện dầu vẫn tiếp tục phải huy động ở mức hơn một tỷ kWh, tăng 33%. Thiếu hụt nguồn phát, nên sản lượng điện nhập khẩu từ nước ngoài vẫn còn ở mức 2,17 tỷ kWh ngay cả khi nguồn phát từ điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đã đóng góp hơn 6 tỷ kWh. Càng khó khăn hơn khi gần một nửa sản lượng điện phải phụ thuộc vào các nhà máy ngoài EVN, bởi lượng điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện, kể cả các công ty cổ phần cũng chỉ chiếm hơn một nửa sản lượng điện của toàn hệ thống. 

Trong khi đó, tiêu thụ năng lượng trong ngành công nghiệp tăng bình quân 9,3% những năm qua và đã chiếm khoảng 53% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Tiếp đến là ngành xây dựng chiếm 35-40% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước. Thực tế, từ đầu năm đến nay tiêu thụ điện cho lĩnh vực công nghiệp - xây dựng vẫn tăng 0,7%. 

Trước thực trạng giá bán điện cho sản xuất rẻ một cách bất thường suốt những năm qua, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc bán điện dưới giá thành là một trong những nguyên nhân khiến ngành điện liên tục phải tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt để bù lỗ. Và cũng vì vậy, những năm qua đã có hàng tỷ USD tiền điện được “biếu không” cho DN, nhất là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặt khác, sản xuất điện gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn vào cơ cấu tiêu thụ điện những năm qua, lượng điện dành cho sinh hoạt chiếm tỷ lệ nhỏ, điện vẫn chủ yếu được tiêu thụ và đang bị lãng phí trong sản xuất công nghiệp, xây dựng do giá bán khá rẻ.

Dẫn số liệu được Bộ Công thương đưa ra, TS Nguyễn Bách Phúc phân tích, số hộ sử dụng điện dưới 700 kWh/tháng chiếm 98,2% tổng số hộ dùng điện của cả nước. Trong đó, lượng khách hàng dùng điện sinh hoạt ở mức dưới 300 kWh/tháng tiếp tục chiếm khoảng hơn 87%, tương đương với 21 triệu hộ. Đồng thời, số hộ dân dùng điện ở mức 700 kWh/tháng tuy chỉ chiếm tỷ lệ 1,7%, nhưng chiếm hơn 10% lượng điện sử dụng cho sinh hoạt. Với tỷ lệ điện dành cho sinh hoạt ít như vậy, ngay cả tăng trưởng tiêu thụ điện sinh hoạt hằng năm ở mức cao, thì việc đáp ứng nguồn cung cấp là không khó. Trong khi đó, điện do các nhà máy thủy điện, nhiệt điện sản xuất liên tục thiếu hụt khiến EVN phải phát điện dầu với giá cao để bù đắp là do hai lĩnh vực trên thâm dụng điện.