Bảo đảm nhu cầu hàng hóa tiêu dùng

Trước những diễn biến mới phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu thực phẩm trong nước có thể tăng, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chuẩn bị kịch bản cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Đặc biệt, chủ động yêu cầu các doanh nghiệp (DN) tăng sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng bảo đảm nhu cầu hàng hóa trong và sau dịch.

Các siêu thị luôn có nguồn dự trữ và bảo đảm cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Ảnh: LAM ANH
Các siêu thị luôn có nguồn dự trữ và bảo đảm cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Ảnh: LAM ANH

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), theo số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành và Hiệp hội ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước năm 2020 như sau: Mặt hàng lương thực ước tính sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn (dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn). Đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm: Tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5 - 5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy, hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông - lâm - thủy sản nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu, đạt được mục tiêu cao nhất mà Chính phủ giao.

Trước những diễn biến mới phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu thực phẩm trong nước có thể tăng, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan cho biết, Tập đoàn tiếp tục duy trì bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá đến người tiêu dùng. Cụ thể, Tập đoàn tăng công suất tối đa hoạt động sản xuất của các nhà máy nhằm bảo đảm đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: mì tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt. Tập đoàn Masan cũng kết hợp Tổng công ty Lương thực Miền Bắc bảo đảm cung cấp đầy đủ gạo cho nhu cầu thiết yếu của người dân trong cả nước thông qua hệ thống hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+. Tập đoàn làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp uy tín của Việt Nam, bảo đảm cung ứng đầy đủ sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân, đồng thời cải thiện phương thức bán hàng, mở rộng diện phục vụ bán hàng và giao hàng tại nhà.

Về phía mình, Bộ Công thương đã cử đoàn công tác trực tiếp làm việc với một số Sở Công thương địa phương để nắm bắt tình hình, phối hợp các cơ quan chức năng địa phương đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch Covid-19.

Tại Bắc Ninh, ông Diêu Quốc Hùng, Giám đốc hệ thống siêu thị DABACO (Tập đoàn DABACO Việt Nam) chia sẻ, trước tác động của dịch Covid-19, chúng tôi đã dự trữ tồn kho tăng so ngày thường từ 2,5 - 3 lần so trước nhằm đáp ứng về nhu cầu hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Hay tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu trên địa bàn với ba kịch bản cụ thể giao cho Sở Công thương và các DN phân phối trên địa bàn triển khai. Theo đó, thành phố đã lên phương án ứng vốn vay dự trữ hàng hóa và có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 50 - 100% lượng hàng cung cho thị trường so ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh.

Tại thành phố Đà Nẵng, hiện hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị như: MM Mega Market, Co.op Mart, Big C, Lotte… và các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn luôn có nguồn dự trữ hàng hóa và bảo đảm cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân.

Còn tại Bắc Giang, tình hình cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, không có biến động, nguồn cung cấp bảo đảm nhu cầu của người dân, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá. Đặc biệt, hiện lượng dự trữ tại kho của các DN đạt gần 70.000 thùng mì các loại và 350 tấn gạo, trong trường hợp cần thiết các DN này có thể cung cấp và huy động bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của thị trường…

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong điều kiện hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra bình thường, với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản tự năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cụ thể, về mặt hàng rau quả, diện tích rau sản xuất 960.000 ha, sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100.000 tấn so năm 2019); tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Mặt hàng đường, sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn đường. Thuốc chữa bệnh, ước tính năm 2020, trị giá thuốc sản xuất trong nước ước đạt 2.900 triệu USD, trị giá thuốc nhập khẩu ước đạt 4.350 triệu USD…

Ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị của Bộ Công thương về công tác phòng, chống dịch bệnh, Vụ Thị trường trong nước đánh giá, đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau thời điểm dịch bệnh diễn ra. Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tường đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.