Bảo đảm đủ hàng hóa cung ứng dịp Tết

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo dự báo của các chuyên gia thương mại, nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 3% đến 20% theo từng nhóm hàng. Để bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ lớn đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu và có phương án dự phòng trước những biến động bất ngờ.

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều mặt hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: HẢI ANH
Các doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều mặt hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: HẢI ANH

Đa dạng chủng loại, dồi dào nguồn cung

Sau một năm ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, nhưng lượng hàng được các DN bán lẻ dự trữ chuẩn bị bán Tết vẫn tăng 13 - 15% so năm 2020, trong đó tập trung hàng thiết yếu, bình dân và cam kết không tăng giá đột biến. Đơn cử, nhằm cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường hơn 7.500 tấn hàng hóa, bao gồm: thịt heo tươi sống, bò 2.300 tấn, tăng 5% so cùng kỳ; thực phẩm chế biến 5.200 tấn, tăng 10% so cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết Tân Sửu là 900 tỷ đồng, tăng 11% so Tết Canh Tý 2020.

Về cơ cấu lượng hàng dự trữ dịp Tết năm nay, nhiều DN cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập của người dân giảm sút, vì vậy nhu cầu chi tiêu sẽ cắt giảm. Các DN sẽ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu và hàng bình dân, giảm các nhóm hàng chi tiêu “xa xỉ” như: bia, rượu, thực phẩm chế biến cao cấp...

Theo đại diện của Vissan, DN đã triển khai chuẩn bị nguyên liệu ngay từ tháng 6-2020. Với sự chuẩn bị chu đáo, Vissan bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết với nguồn hàng chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Cùng với đó, Vissan cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước và sau Tết. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá các sản phẩm chế biến và tươi sống với mức giảm từ 5 - 10% tại các điểm bán sản phẩm của Vissan.

Ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op thì cho biết, tổng trữ lượng hàng hóa của Saigon Co.op, bao gồm hàng bình ổn Tết Tân Sửu, tăng 15 - 30% so cùng kỳ tùy mặt hàng, bảo đảm đủ hàng bình ổn trong ba tháng trước, trong và sau Tết. Đặc biệt là nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm Tết.

Riêng đối với mặt hàng thịt, dịp Tết này các DN khẳng định không lo thiếu hàng. Chẳng hạn, Saigon Co.op đã chuẩn bị xong 3.500 tấn thịt an toàn từ các đơn vị cung cấp thịt heo lớn, bảo đảm giá thấp hơn thị trường. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng chuẩn bị một lượng lớn thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản... để luân phiên giảm giá, giúp người tiêu dùng (NTD) có thêm lựa chọn.

Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Vận hành VinMart toàn quốc cho biết, để chuẩn hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, VinMart & VinMart+ đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp trước Tết gần bốn tháng để lên số lượng dự phòng hàng hóa đầy đủ cho nhu cầu mua sắm của khách hàng trên toàn quốc.

Đại diện Vinmart cho biết thêm, sản lượng thịt Meat deli dịp Tết tăng gấp 10 lần so sản lượng sản xuất thông thường do có những dòng sản phẩm mới. Sản lượng dự kiến dịp Tết: Thịt tươi 1.577 tấn; thịt chế biến 280 tấn, trong đó, giò chả 80 tấn, xúc xích 200 tấn… 

Theo bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: hàng khô, các loại quả, hạt khô phục vụ Tết, quần áo… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng hàng hóa mà DN tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Hà Nội trong dịp Tết đạt khoảng 200 tỷ đồng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp Tết, Tập đoàn bán lẻ BRG cũng vừa nhập khẩu ba container thịt lợn từ Mỹ (23 tấn/container); Vincommerce chuẩn bị nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn, thịt bò từ Mỹ và hiện hàng đã về kho của DN...

Ổn định giá, khuyến khích tiêu dùng

Thay vì chỉ giảm giá cho những ngày cận Tết như thông lệ thị trường, năm nay các đơn vị tham gia cung ứng hàng hóa đồng loạt áp dụng giảm giá hàng Tết sớm, để giúp NTD mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực mua sắm vào những ngày cuối năm. Chương trình kích cầu tiêu dùng  dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng đã được các DN bán lẻ lên kế hoạch chi tiết với nhiều hình thức như khuyến mãi, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà. Các đơn vị phân phối còn tập trung đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến, giao hàng… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của NTD.

Ngay từ cuối tháng 12-2020, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile của Saigon Co.op giảm giá hàng nghìn sản phẩm ở đủ chủng loại như bột giặt, dầu ăn, các loại dụng cụ nhà bếp, các loại gia vị tương ớt, nước mắm, bột ngọt, lạp xưởng, các loại bánh kẹo, nước ngọt, sữa...

Tương tự, VinMart & VinMart+  đã xây dựng rất sớm chương trình khuyến mãi với chủ đề “Đón Tết to, không lo về giá - Tới ngay VinMart & VinMart+” xuyên suốt từ cuối tháng 12-2020 đến tháng 2-2021. Nhằm kích cầu mua sắm, nhiều loại hàng hóa thiết yếu được bán với giá cả rất hợp lý, nhiều sản phẩm giảm giá tới 50%.

Hệ thống đại siêu thị GO!/Big C (thành viên của Tập đoàn Central Retail) năm nay lần đầu áp dụng chương trình “bán thịt lợn tươi không lợi nhuận” (không bao gồm sản phẩm của Meat deli), nhằm chung tay bình ổn thị trường thịt lợn dịp Tết. Theo đó, ngay từ đầu tháng 1-2021 (tức hơn một tháng trước Tết Nguyên đán), tại các siêu thị GO!/Big C đã áp dụng giảm giá các sản phẩm thịt lợn tươi.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, hệ thống siêu thị GO!/Big C đã chủ động đàm phán với các nhà cung cấp để cùng nhau thực hiện chương trình bán thịt lợn tươi không lợi nhuận, qua đó góp phần bình ổn giá thịt lợn trong mùa Tết, giúp người dân dễ dàng mua được thịt lợn sạch với giá tốt nhất. Chương trình thiết thực này được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm thịt lợn tươi, nhận được sự quan tâm của đông đảo NTD.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc chuẩn bị hàng hóa, mua sắm Tết của người dân cũng như DN phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, các siêu thị, DN đều triển khai nhiều phương án phòng dịch và có những giải pháp phù hợp cho từng loại hình kinh doanh, trong đó tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến, giảm tiếp xúc, giải quyết nhanh cho người mua sắm tại siêu thị, tránh ùn ứ. Đồng thời, tăng cường kiểm soát vấn đề ATTP nhằm bảo đảm Tết an toàn cho người dân.

Theo bà Nguyễn Ngọc Dung, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi nằm trong hệ thống VinMart sẽ tăng thời gian hoạt động từ ba đến bốn giờ mỗi ngày. Chuỗi siêu thị VinMart mở cửa phục vụ người dân mua sắm thuận lợi trong ngày 11-2-2021 (tức ngày 30 tháng Chạp), trong đó siêu thị VinMart mở cửa đến 12 giờ, còn các cửa hàng VinMart+ phục vụ tới 16 giờ. Toàn bộ hệ thống hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15-2-2021 (mồng 4 tháng Giêng).

Về phía cơ quan quản lý, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, đơn vị đã xây dựng và triển khai Kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay, toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã đều đã xây dựng xong kế hoạch, chuẩn bị tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt giá trị 39.400 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Phương Lan thông tin thêm, dự báo nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, các DN tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng, lượng hàng hóa ký kết tăng hai đến ba lần so ngày thường để sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19, cũng như các biến động bất thường.

Bộ Công thương vừa ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Riêng mặt hàng thịt lợn, Bộ Công thương yêu cầu các Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng, chủ động phương án nhập khẩu nếu cần thiết, bảo đảm duy trì ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.