Bảo đảm an toàn nợ công

Trong năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) vừa qua, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý vay và trả nợ nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điều này góp phần gia tăng dư địa cho chính sách tài khóa (CSTK), từ đó giúp nền kinh tế Việt Nam thêm trợ lực trong bối cảnh khó khăn.

Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công tạo hiệu ứng tích cực phát triển kinh tế.
Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công tạo hiệu ứng tích cực phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính Võ Hữu Hiển, căn cứ quy định của Luật Quản lý nợ công (QLNC) năm 2017, tất cả các khâu của quy trình QLNC đã được kiểm soát chặt chẽ, từ việc huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ, xử lý rủi ro và thực hiện các nghiệp vụ QLNC, tạo chuyển biến tích cực, góp phần giảm dư nợ công từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,8% GDP cuối 2020; nợ chính phủ khoảng 49,6% GDP. Đồng thời, tốc độ tăng quy mô nợ công được kiểm soát, giảm từ mức bình quân 18,1%/năm giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 6,6%/năm năm 2020, khoảng 24,1%/năm giai đoạn 2016 - 2020; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đạt 22,4% so thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, bảo đảm duy trì trong giới hạn nợ được Quốc hội cho phép và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Những kết quả về QLNC đạt được trong năm 2020 cũng như trong cả giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) đã tạo ra dư địa cho CSTK có nguồn lực tài chính bảo đảm các cân đối lớn. Các công cụ QLNC cũng được triển khai theo đúng tinh thần của Luật QLNC, chương trình QLNC trung hạn, kế hoạch vay và trả nợ của năm 2020, hạn mức bảo lãnh,… Công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài được thúc đẩy tích cực song song với kiểm soát các khoản vay về cho vay lại.

Ông Võ Hữu Hiển cho biết, tới đây việc cần làm là đẩy mạnh triển khai Kế hoạch vay và trả nợ 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) ngay những tháng đầu năm 2021. Đồng thời có định hướng và đánh giá tổng thể việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong giai đoạn tới; theo dõi sát sao việc vay về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ... Đáng chú ý, việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ trong những năm qua thực hiện chặt chẽ trong phạm vi dự toán được giao, bảo đảm đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng cam kết quốc tế, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN năm 2016 là 15,8%; năm 2017 là 19,7%; năm 2018 là 16,1% và năm 2019 là 17,4% (giới hạn quy định không quá 25%). Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã kiên trì, quyết liệt trong công tác huy động vốn, giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Đơn cử trong năm 2020, đơn vị đã chủ trì đàm phán 34 hiệp định (năm hiệp định khung và 29 hiệp định vay cụ thể), đã ký kết 18 hiệp định (trong đó năm hiệp định khung, 13 hiệp định vay) với tổng trị giá gần 1.222.700.000 USD. Trong năm 2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài rút ra ước đạt 2 tỷ 150 triệu USD (tương đương 49.775 tỷ đồng), trong đó cấp phát khoảng 1 tỷ 256 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 894 triệu USD.

Vấn đề quản lý cho vay lại, kiểm soát bảo lãnh chính phủ được tăng cường thông qua việc thực hiện ký 41 hợp đồng cho vay lại, 19 hiệp định vay phụ với người vay lại, ba phụ lục sửa đổi, bổ sung hợp đồng cho vay lại; đã hoàn thành và chuẩn bị ký tiếp 12 hợp đồng cho vay lại. Đặc biệt, đã hoàn thành đối chiếu với 11 cơ quan cho vay lại và ký biên bản xác nhận lịch trả nợ theo từng dự án nhằm bảo đảm sự chuẩn xác của hệ thống số liệu, làm tiền đề cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nợ công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Võ Hữu Hiển cũng thẳng thắn nêu rõ, nhiệm vụ QLNC còn đối mặt với các khó khăn, thách thức và hạn chế như danh mục nợ vẫn tiềm ẩn rủi ro; các khoản vay ưu đãi bắt đầu áp dụng điều khoản trả nợ nhanh, vay ODA giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn ưu đãi cho đầu tư phát triển; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có xu hướng tăng; kỳ hạn trái phiếu Chính phủ chưa đa dạng; công tác QLNC của chính quyền địa phương còn hạn chế; quản lý nợ nước ngoài của quốc gia còn khó khăn. Đó là chưa kể trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương, chủ dự án trong xử lý công việc chung chưa cao, chưa chặt chẽ, đồng bộ, còn chậm trễ và vướng mắc, tập trung trong các khâu như chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, giao và phân bổ dự toán, hoàn thiện hồ sơ giải ngân dẫn đến giải ngân chậm…

Những hạn chế nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan như thể chế, chính sách đã có sự thay đổi; chức năng về QLNC, tổ chức bộ máy QLNC chưa thống nhất từ T.Ư tới địa phương; việc sử dụng nguồn vốn vay còn tâm lý ỷ lại vào Nhà nước. Tổ chức bộ máy một số bộ, cơ quan liên quan quản lý nhà nước về nợ công, viện trợ còn chồng chéo.

Theo ông Võ Hữu Hiển, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030. Do đó, để công tác QLNC tiếp tục đạt mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính sẽ rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục và quy định gây cản trở phát triển để thu hút có hiệu quả nguồn lực cho phát triển, bảo đảm an toàn nợ công. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền các công cụ QLNC như Chiến lược nợ công 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; chương trình QLNC ba năm và kế hoạch, hạn mức vay, trả nợ công hằng năm theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công song song với triển khai nhiệm vụ huy động vốn vay theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và kế hoạch, hạn mức vay, trả nợ công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn vay, viện trợ.