Bàn cách tháo gỡ những vướng mắc về sử dụng đất đai

Tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp (NN) làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tự phát. Tuy nhiên, quá trình tích tụ ruộng đất ở Việt Nam còn chậm. Thị trường mua bán, thuê và cho thuê quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở Việt Nam còn kém phát triển do thiếu cầu, mặc dù lượng cung khá cao. Điều này có thể do lợi tức ngành NN còn thấp, rủi ro cao dẫn đến thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư (NĐT).

Các doanh nghiệp có nhu cầu tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NG.NAM
Các doanh nghiệp có nhu cầu tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NG.NAM

1. Ngày 27-11 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp Vụ Pháp chế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo “Góp ý sửa đổi một số nghị định về đất đai”.

Theo IPSARD, đất đai manh mún là nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so các nước trong khu vực... Để giải quyết những vấn đề bất cập, cùng nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến đất đai, Luật Đất đai 2013 đang được xem xét sửa đổi hoàn thiện. Song song quá trình đó, hai nghị định (NĐ) về đất đai như: NĐ về tích tụ tập trung đất đai; NĐ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và NĐ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai cũng đang được sửa đổi và xin ý kiến rộng rãi của các ban, ngành, địa phương.

2. Tại hội thảo, Phó Viện trưởng IPSARD Hoàng Vũ Quang cho biết, hiện quy mô sản xuất NN hộ rất thấp. Điều này gây khó khăn cho sản xuất NN, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam tham gia sâu vào NN toàn cầu. Bên cạnh đó, sản phẩm phải cạnh tranh rất gay gắt với các hàng rào phi thuế quan đang lên cao như vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Điều này đòi hỏi phải tổ chức sản xuất quy mô lớn. Nhà nước cũng có chủ trương, chính sách khuyến khích chuyển nhượng, tích tụ ruộng đất nhưng thực tế quá trình diễn ra rất chậm. Nhu cầu ruộng đất cho sản xuất rất cao nhưng khuôn khổ pháp lý chưa thật sự thuận lợi.

Cùng quan điểm này, theo bà Hoàng Thị Vân Anh - Vụ trưởng Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện có một số vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận đất đai thông qua hình thức thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng QSDĐ. Cùng với đó là việc xử lý đất đai đối với các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án (DA) đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; trong việc giao, cho thuê các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định; trong đăng ký, cấp giấy chứng nhận và trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Bà Hoàng Thị Vân Anh cho biết, trên thực tế, quá trình tích tụ đất đai còn khó khăn, quy mô đất còn nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu quy mô. Để tháo gỡ khó khăn cho các DN có nhu cầu tích tụ đất đai cho sản xuất NN, hiện nay, Bộ TN&MT đang dự thảo NĐ của Chính phủ quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất NN và NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của các NĐ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 12-2019. Theo đó, dự thảo quy định 5 phương thức tập trung tích tụ ruộng đất NN gồm dồn điền, đổi thửa; thuê QSDĐ; liên kết hợp tác xã (HTX) để tổ chức sản xuất; nhận góp vốn bằng QSDĐ; nhận chuyển nhượng QSDĐ. Về cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất, dự thảo quy định, chuyển mục đích sử dụng đất NN để thực hiện DA đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh NN: cho phép NĐT được chuyển mục đích một phần diện tích đất NN, nhưng không quá 5% tổng diện tích thực hiện DA để xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất NN theo DA đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt và tối đa không quá 5.000 m².

Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn (cán bộ nghiên cứu của IPSARD), thị trường chuyển QSDĐ qua hình thức góp vốn hiện không phổ biến; chỉ có góp vốn bằng đất để trở thành chủ sở hữu DN. Một số HTX có góp vốn bằng đất nhưng thực tế chỉ liên kết “đầu vào - đầu ra”. Với thị trường cho thuê QSDĐ, cụ thể là DN thuê đất khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân, chỉ cần vài hộ không đồng ý cũng dừng lại DA. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế đồng thuận khoảng 80% hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt DA thì buộc hộ thỏa thuận, có chính sách tạo việc làm, chuyển đổi cho nông dân…

3. Thái Bình là địa phương đã thực hiện thí điểm tích tụ, tập trung đất đai ngay từ khi thực hiện tái cơ cấu NN. Bà Khổng Thị Thịnh (Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở NN&PTNT Thái Bình) cho biết, do hiện chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất NN nên hầu hết làm theo ý kiến chủ quan của mỗi địa phương. Đối với diện tích đất 5% công ích do UBND xã quản lý, UBND xã chỉ được phép cho gia đình cá nhân thuê theo hình thức đấu giá, thời gian cho thuê tối đa 5 năm. Thời gian này chưa đủ dài để đầu tư sản xuất theo hình thức tích tụ, tập trung và DN không được thuê diện tích đất này.

Bà Khổng Thị Thịnh kiến nghị, dự thảo NĐ cần làm rõ việc tập trung, tích tụ đất NN chỉ thực hiện một trong ba tiêu chí hay phải bảo đảm cả ba tiêu chí là “tập trung, tích tụ đất NN để tổ chức sản xuất NN tập trung, quy mô lớn, NN ứng dụng công nghệ cao”. Về thời hạn của phương án sản xuất, kinh doanh đề nghị với hộ gia đình tối thiểu là 10 năm và 20 năm đối với tổ chức. Dự thảo NĐ cần quy định rõ quy mô bao nhiêu được gọi là quy mô lớn. Đối với phương án phục hồi đất NN sau khi kết thúc DA đề nghị áp dụng đối với cả hộ gia đình và tổ chức.