2019 - Năm “bứt phá” thành công

Với chủ đề “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019 là năm đầy thử thách đối với Chính phủ, để đạt kết quả cao hơn năm 2018 (vốn đã đạt mức tăng trưởng hơn 7%) và đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp.

TP Hồ Chí Minh vững vàng là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Ảnh: CTV
TP Hồ Chí Minh vững vàng là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Ảnh: CTV

1. Trong hai ngày 30 và 31-12-2019, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020. Nhìn lại chặng đường năm 2019, các đại biểu đều thống nhất coi năm 2019 là năm “bứt phá” khi tăng trưởng GDP của nước ta đạt 7,02%, vượt xa mục tiêu đề ra 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, là mức tăng thấp nhất trong ba năm qua. Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; xuất siêu cán mốc năm thứ tư liên tiếp, đạt hơn 9,9 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt hơn 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, hơn 138.000 DN. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 18 triệu lượt khách.

2. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những thành quả KT-XH có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD, lớn gấp 9,3 lần so thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỷ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23-12-2019 là thặng dư, tỷ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD - những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.

Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Một số quan điểm cho rằng, các nước đang phát triển ở giai đoạn tiền công nghiệp hóa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường và xã hội. Nhưng Chính phủ luôn nhất quán thông điệp không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là kinh tế - xã hội và môi trường.

“Rất nhiều địa phương thời gian qua cũng đã lồng ghép ba trụ cột phát triển này và thực tiễn cho thấy ba mục tiêu này không loại trừ nhau mà có sự bổ sung cho nhau, cùng hướng đến sự phát triển toàn diện cho đất nước”, Thủ tướng khẳng định.

“Nguồn lực có hạn, ưu tiên đô thị thì phải bỏ qua nông thôn và ngược lại: Điều này cũng đã không đúng”. Theo Thủ tướng, trong khi các thành phố “đầu tàu” truyền thống vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực, duy trì đóng góp lớn và dẫn dắt nền kinh tế đi lên thì nhiều địa phương khác bắt đầu nổi lên, ngày càng trở thành một nhân tố có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung cả nước. Thực tiễn đã chứng minh, địa phương kém phát triển hơn khi tăng tốc không hề làm suy yếu cơ hội của địa phương phát triển hơn và ngược lại.

3. Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ; nhấn mạnh năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tinh thần chung của 2020 là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019. Đặc biệt thời gian tới, yêu cầu toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.