Nợ đọng xây dựng nông thôn mới giảm hơn 4.298 tỷ đồng

Theo nội dung Báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí (THTKCLP) năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp THTKCLP năm 2019 của Chính phủ gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XIV về thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững.

Nhân dân ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy tham gia phát triển giao thông nông thôn. Ảnh MINH TRÍ - TTXVN
Nhân dân ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy tham gia phát triển giao thông nông thôn. Ảnh MINH TRÍ - TTXVN

Đến ngày 31-12-2018, cả nước đã có 3.838 xã đạt chuẩn NTM, tăng 769 xã (8,62%) so cuối năm 2017; ba địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các địa phương đã nỗ lực xử lý nợ đọng trong xây dựng NTM, cơ bản hoàn thành tiến độ theo Nghị quyết số 32/2016/QH14 của QH. Số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương đến tháng 12-2018 cho thấy, tổng số nợ đọng xây dựng NTM là 651,8 tỷ đồng, giảm 4.298,6 tỷ đồng so tháng 1-2018 và giảm khoảng 95,7% so tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 1-2016.

Còn 93 DN phải thực hiện cổ phần hóa

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), 5 tháng đầu năm 2019 có ba doanh nghiệp (DN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH). Lũy kế đến tháng 5-2019, đã có 34/127 DN CPH thuộc danh mục phải CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ. Số lượng DN phải CPH còn lại là 93/127 DN, chiếm 73% kế hoạch.

Về tình hình thoái vốn, trong 5 tháng đầu năm, có chín DN thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg (QĐ 1232) của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến tháng 5-2019, thoái vốn nhà nước tại 87 đơn vị thuộc QĐ 1232 với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng. Tình hình thoái vốn nhà nước tại các DN ngoài QĐ 1232, lũy kế từ năm 2017 đến tháng 5-2019: cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng.

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu

Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký văn bản đôn đốc ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố cùng nhiều đơn vị khác yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng... Cụ thể, tại Công văn 15/BCĐ 389-VPTT nêu rõ, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các tuyến địa bàn. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý vi phạm còn ít, có những vụ việc để xảy ra sai phạm kéo dài. Do vậy, yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố và các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.

133 TTHC về thuế đạt cấp độ 3 trở lên

Theo Báo cáo của Tổng cục Thuế, số lượng thủ tục hành chính (TTHC) về thuế được cung cấp trực tuyến hiện nay là 133 TTHC, đạt cấp độ 3 trở lên. Tất cả 63 cục thuế địa phương và Tổng cục Thuế đều đã có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin thuế. Điều này giúp ngành thuế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế thông qua website của ngành. Ngành thuế đang tiếp tục triển khai các phương án đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực thuế theo quyết định của Bộ Tài chính, nhằm đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 202,68 tỷ USD

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (KNXNK) cả nước trong tháng 5 đạt 21,9 tỷ USD, tăng 7,2% so tháng trước đó. Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 10,5% so tháng 4-2019. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 101 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ 2018; tổng KNNK cả nước đạt 101,555 tỷ USD, tăng 10,5%. Dù tốc độ tăng trưởng KNXNK tháng 5 đạt thấp hơn so cùng kỳ vài năm gần đây, nhưng lũy kế hết tháng 5, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 202,68 tỷ USD, con số kỷ lục trong 5 tháng đầu năm kể từ trước tới nay.