Những hệ lụy khi đồng USD tăng giá

Đồng USD tăng giá so những đồng tiền khác trên thế giới đã, đang và sẽ có ảnh hưởng đến xuất khẩu (XK) và tỷ giá đồng Việt Nam (VND). XK hàng hóa Việt Nam sang các thị trường lớn (ngoài Mỹ) sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đồng USD tăng làm tăng áp lực điều chỉnh tỷ giá tương lai của VND. Ảnh: NAM NGUYỄN
Đồng USD tăng làm tăng áp lực điều chỉnh tỷ giá tương lai của VND. Ảnh: NAM NGUYỄN

Thời gian gần đây, việc đồng USD tăng giá khá mạnh so các đồng tiền khác trên thế giới là kết quả hội tụ của một loạt nguyên nhân: Thứ nhất, sự khởi sắc rõ rệt của nền kinh tế Mỹ so mức tăng khiêm tốn hoặc trì trệ của các nền kinh tế đầu tàu khác trên thế giới. Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chấm dứt gói kích cầu trị giá 3,7 nghìn tỷ USD mà FED đã bơm ra trong suốt sáu năm qua để đối phó cuộc khủng hoảng bùng phát từ năm 2008, chấm dứt một kênh tăng cung tiền mặt rất lớn vào thị trường Mỹ. Thứ ba, sau thời gian dài giữ nguyên mức lãi suất 0,5%, FED đã liên tiếp ba lần tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25%/lần vào cuối năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Thứ tư, USD tăng giá còn do mức lãi suất thấp với những gói kích cầu lớn đạt kỳ vọng lạm phát mục tiêu 2% vẫn là nét chủ đạo trong chính sách tài chính - tiền tệ của cả Liên hiệp châu Âu (EU), Trung Quốc và Nhật Bản. Thứ năm, hệ lụy Brexit và xu hướng cơ cấu lại dự trữ ngoại hối quốc gia theo giá trị các đồng tiền khác càng tạo cơ hội tăng giá bổ sung cho USD...

Đồng USD tăng giá so những đồng tiền khác trên thế giới đã, đang và sẽ có ảnh hưởng lớn đến XK và tỷ giá VND. Đặc biệt, do sự gắn kết khá “cố định” của VND với đồng USD đang mạnh lên, XK hàng hóa Việt Nam sang những thị trường lớn (ngoài Mỹ) và có đồng bản tệ giảm giá, sẽ gặp nhiều khó khăn. Người mua hàng XK của Việt Nam phải chịu giá cao hơn khi thanh toán bằng bản tệ của họ, buộc phải tăng giá bán lẻ. Kết quả, các nhà nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam phải giảm hoặc tạm ngưng mua hàng, nếu có mua họ cũng đòi giảm giá. Điều này làm gia tăng làn sóng giảm giá hàng Việt Nam XK sang các thị trường XK chính của Việt Nam (ngoài Mỹ) thời gian qua. Minh chứng là sự giảm sút hàng loạt mặt hàng XK cả về kim ngạch XK và giá cả.

Mặt khác, đồng USD tăng giá không chỉ khiến giá vàng giảm, mà còn làm tăng áp lực điều chỉnh tỷ giá tương lai của VND... Hơn thế, việc đồng USD lên giá đang làm bộc lộ những tác động mặt trái của chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0% mà Việt Nam lần đầu áp dụng từ cuối năm 2015 đến nay. Hơn 23 năm qua, dòng kiều hối về nước tăng gần 100 lần, từ mức 0,14 tỷ USD năm 1993 tăng lên hơn 13,2 tỷ USD năm 2015, đưa Việt Nam đứng thứ 3 tại châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Sau nhiều năm tăng liên tục, năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối bị khựng lại và suy giảm, chỉ còn chín tỷ USD, tức giảm hơn 30% so năm trước.

Thực tế, nguồn cung kiều hối từ Mỹ chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ hơn bốn triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia trên thế giới. Khi kiều hối từ thị trường Mỹ giảm sút sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng lượng kiều hối về Việt Nam. Động thái tăng lãi suất liên tục của FED đã, đang và sẽ tạo động lực “giữ chân” đồng USD kiều hối ở lại Mỹ. Hơn nữa, động lực này càng đậm hơn do được cộng hưởng bởi tác động mặt trái của cả hai chính sách hạ lãi tiền gửi USD tại các ngân hàng về 0% và cơ chế tỷ giá trung tâm mà lần đầu Việt Nam cùng thực hiện từ đầu năm 2016. Năm 2016 và nửa đầu 2017, lãi suất tiền gửi USD ở Mỹ tăng, còn ở Việt Nam điều chỉnh về 0%. Đồng thời, tỷ giá đồng USD so VND biến động hằng ngày theo thị trường, không còn được ổn định một cách “cố định” theo biên độ khung cả năm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bảo đảm nữa. Cơ hội khai thác chênh lệch lãi suất đồng USD giữa thị trường trong nước với nước ngoài đã mất đi, thậm chí đảo ngược, khiến thu hẹp lượng ngoại tệ - kiều hối về Việt Nam, đồng thời có sự gia tăng dòng tiền gửi hàng tỷ USD từ Việt Nam ra nước ngoài. Còn dòng kiều hối về nước đổ vào sản xuất, kinh doanh cũng bị chi phối do cơ hội kinh doanh tăng lên từ sự tăng trưởng kinh tế tích cực của Mỹ. Trong khi đó, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam năm 2016 và nửa đầu năm 2017 càng tô đậm áp lực từ việc thiếu nguồn cung USD để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, hỗ trợ dự trữ ngoại hối, tăng nguồn vốn đầu tư xã hội và giúp giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam.

Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối của Việt Nam giảm, nhập siêu tăng và các ngân hàng tăng lãi suất huy động khiến lãi suất tín dụng cho DN đang tăng trở lại. Nguồn vốn giá rẻ giảm sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm và có ảnh hưởng nhất định tới tạo việc làm, cải thiện nhà ở, y tế, giáo dục, ổn định đời sống người dân và động lực tăng trưởng kinh tế. Sự sụt giảm kiều hối cùng với dòng chảy ngược USD ra nước ngoài khá mạnh còn tạo áp lực kép về giảm tổng cung ngoại tệ của Việt Nam, gây áp lực lên tỷ giá.

Bởi vậy, để không làm giảm lượng kiều hối về nước và nhất quán chủ trương coi trọng, tạo mọi thuận lợi và cơ hội thu hút kiều hối của Đảng và Nhà nước, thời gian tới NHNN và các cơ quan chức năng cần xem xét toàn diện và tổng thể tình hình trong nước và quốc tế, tính tới sự đồng bộ và tác động hai mặt của chính sách, tiếp tục hoàn thiện quản lý ngoại hối nói riêng, môi trường đầu tư nói chung, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền khơi thông dòng kiều hối về nước và khuyến khích kiều bào đầu tư, kinh doanh “ích nước, lợi nhà”, phụng sự quê hương, Tổ quốc.