Xung lực của thị trường

Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam, tổng căn hộ mới chào bán trên thị trường Hà Nội năm 2020 đạt 16.350 sản phẩm, giao dịch 4.350 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt 26,6%.

Quý IV - 2020 là thời điểm có lượng cung và giao dịch tăng mạnh so các quý trước, tuy nhiên tỷ lệ hấp thụ vẫn duy trì ở mức thấp. Việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng, xã khu vực này tăng khoảng 50% so năm 2019. Các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30%...

Tương tự, Báo cáo thị trường BĐS, nhà ở trên cả nước của một số đơn vị nghiên cứu cũng cho thấy, nguồn cung nhà ở thấp nhất trong 5 năm qua, giá liên tiếp lập kỷ lục mới, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, giá tăng bất chấp các khó khăn về pháp lý, tài chính và đại dịch… Tổng căn hộ mới chào bán trên thị trường năm 2020 đạt 21.312 sản phẩm, giao dịch 13.043 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt 61,2%. Trong khi giá bán căn hộ tăng mạnh, so năm 2019 tăng 26,5% và so năm 2018 tăng 50,7%.

Trước tình trạng giá nhà đất tại nhiều tỉnh, thành phố tăng cao, đặc biệt là một số khu vực ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia BĐS lo ngại về hiện tượng lực cầu ảo và nguy cơ “bong bóng” tăng cao. Bởi trong thời gian ngắn, giá nhà đất ở các khu vực này liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới, có những vị trí tăng 50%. Dòng tiền đang đổ vào BĐS do nhiều ngành nghề phát triển chậm, lãi suất ngân hàng thấp, nên nhiều người tìm đến đất đai và nhà ở để “trú ẩn”. Điều này đã gây ra hiện tượng nhu cầu ở thật thì ít, nhu cầu đầu tư nhiều. Nếu dòng tiền cứ tiếp tục vào BĐS sẽ dễ xảy ra hiện tượng sốt ảo, vỡ trận.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, thị trường vẫn phục hồi và tăng trưởng do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán cao. Các nhân tố thúc đẩy thị trường như nhiều chính sách đồng bộ, cơ chế hỗ trợ thị trường, nhu cầu nhà ở của người dân tăng.

Cùng quan điểm này, Giám đốc CBRE Hà Nội Nguyễn Hoài An cho rằng, trong năm 2020, mặt bằng lãi suất ở mức thấp, các nhà đầu tư (NĐT) chuyển dòng tiền sang đầu tư các kênh khác thay vì gửi ngân hàng và đây là điều tích cực. Với thị trường BĐS, NĐT vẫn tìm thấy cơ hội.

Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường BĐS cả nước và TP Hồ Chí Minh trong năm 2021 vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng trở lại, chưa có tình trạng “đóng băng” hay “bong bóng”, do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán cao. Phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền sẽ giữ vai trò chủ đạo của thị trường. Các nhân tố tác động đến sự phục hồi thị trường như định hướng của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 - 10 năm tới. Năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cũng là năm đầu của kế hoạch 2021 - 2025 nên chắc chắn sẽ tạo được xung lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thị trường BĐS.